Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Giải ngân thấp, sức ép triển khai Chương trình Phục hồi rất lớn
Nguyên Đức - 05/08/2023 14:47
 
Chỉ còn 6 tháng để thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trong khi nguồn lực còn lại rất lớn. Do đó, sức ép giải ngân là rất lớn.

Giải ngân hơn 93.800 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt hơn 93.800 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay 5 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 19.800 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 2.150 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt gần 3.700 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 60.200 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt khoảng 590 tỷ đồng.

Riêng đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 6/2023, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 590 tỷ đồng, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 123.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 54.000 tỷ đồng cho hơn 2.000 khách hàng.

Như vậy, giải ngân cho chương trình hỗ trợ lãi suất hiện vẫn rất thấp. Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Giải ngân Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội chưa được như kỳ vọng

Tuy nhiên, với con số 590 tỷ đồng nói trên, mới có 1,475% tổng nguồn lực được sử dụng, rất chậ so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất, như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra, hậu kiểm…

Chưa kể, còn khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định; tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách nên nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp thay đổi…

Để thúc đẩy giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, đầu tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền để thúc đẩy triển khai chính sách; theo dõi tình hình triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền.

Sức ép lớn giải ngân chi đầu tư phát triển

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt trên 175.200 tỷ đồng.

Trong số này, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đến ngày 31/7/2023 đạt khoảng 30.260 tỷ đồng. Con số này mới đạt khoảng 17,3% số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trên 175.217 tỷ đồng).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn kế hoạch vốn của Chương trình (147.138 tỷ đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết từ tháng 9/2022 và Quốc hội đã cho phép áp dụng các chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình, gây giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tạo áp lực giải ngân lớn đến hết kế hoạch năm 2023. Theo quy định, toàn bộ vốn của Chương trình phải giải ngân hết trong năm nay.

Thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn 6 tháng, chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách; theo dõi sát sao tình hình thực hiện, rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, linh hoạt đề xuất điều chuyển nguồn lực sang các chính sách có khả năng thực thi tốt nhằm bảo đảm hiệu quả của Chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực.

Cùng với đó, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình được giao tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 (13.369,468 tỷ đồng), khẩn trương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2023 của bộ, cơ quan, địa phương mình.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình. Khẩn trương đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn của Chương trình và Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 trong Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn trong trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép điều chuyển.

Với riêng Bộ Tài chính, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương cập nhật số liệu giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình trong Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước các năm 2022, 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, chi tiết theo từng bộ, cơ quan, địa phương, làm cơ sở để đôn đốc, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chương trình. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư