Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, hai tháng đạt 6,97% kế hoạch
- 03/03/2023 09:42
 
Tỷ lệ này tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về số vốn giải ngân tuyệt đối thì cao hơn 4.600 tỷ đồng, tương đương cao hơn 10%.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến ngày 1/3/2023, các bộ ngành, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết tổng số tiền trên 602.000 tỷ đồng, đạt 85,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 307.739 tỷ đồng, đạt 84,6%, vốn ngân sách địa phương là 294.448 đạt 85,8%.

Như vậy, trong tổng nguồn lực mà Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2023 là trên 707.044 tỷ đồng, vẫn còn hơn 104.856 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 14,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Con số này là khá lớn. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công kể từ đầu năm tới nay cũng vẫn còn chậm. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước đến cuối tháng 2/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 49.247 tỷ đồng, đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công

Tỷ lệ này là thấp hơn so với con số 8,61% của cùng kỳ năm ngoái, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, xét về số giải ngân tuyệt đối thì cao hơn khoảng 4.600 tỷ đồng, tức là cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong khi có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao, gồm Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (22,57%), Lâm Đồng (20,97%)…, thì có tới 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, có 43 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn.

Ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch năm 2023, phấn đấu cả năm giải ngân tối thiểu đạt 95% kế hoạch được giao.

Nhiệm vụ này, cộng với tổng nguồn lực đầu tư công năm 2023 lớn đang đặt ra áp lực lớn đối với việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, dự án, tiếp tục coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023. Phấn đấu cả năm giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý; trong đó tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng...

Khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng, tạo áp lực đến tăng trưởng GDP quý I
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những sức ép trong điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư