Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giải ngân vốn FDI: Không thể ngồi yên chờ đợi
Nguyên Đức - 28/06/2014 10:22
 
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2014 một lần nữa hối thúc Chính phủ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
6,85 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam
Đại dự án FDI cấp tập triển khai
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp lãnh đạo Tập đoàn Samsung và Coca-Cola
Căng thẳng biển Đông không ảnh hưởng đến FDI vào Việt Nam
Hàng tỷ USD từ Trung Đông đang "chảy" vào Việt Nam

Dù vốn FDI giải ngân trong nửa đầu năm là chỉ số có tín hiệu tích cực nhất trong bảng thống kê về tình hình thu hút FDI, với 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013, song ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vẫn cho rằng, giải ngân dòng vốn này vẫn còn chậm.

  Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn các dự án FDI  
  Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn các dự án FDI  

“Có thể, đã xuất hiện tâm lý chờ đợi của các nhà đầu tư nước ngoài sau những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Dù thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư, nhưng thu hút vốn FDI đã bị ảnh hưởng. Điều quan trọng hiện nay là, phải làm sao lấy lại hình ảnh Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thành nói.

Trên thực tế, 5,75 tỷ USD vốn FDI giải ngân trong nửa đầu năm không phải là con số thấp, nếu so với các kết quả đạt được trong những năm gần đây.

Với kết quả này, cả năm, vốn FDI giải ngân có thể đạt 11-12 tỷ USD, như mục tiêu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra. Song trong bối cảnh vốn đầu tư từ ngân sách, từ khu vực dân doanh trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thì con số này chưa đạt kỳ vọng và cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân, như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tín hiệu tích cực là, nhiều đại dự án FDI, như LG, Samsung, Formosa, Lọc hóa dầu Nghi Sơn…  vẫn đang cấp tập triển khai và điều này sẽ có tác động lớn tới vốn FDI giải ngân trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, tại nhiều dự án FDI, những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư xây dựng… vẫn tồn tại, cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Một điều quan trọng khác, theo các chuyên gia kinh tế, việc vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm chưa có nhiều cải thiện, với 4,85 tỷ USD cấp mới và 1,99 tỷ USD vốn tăng thêm, tính chung vẫn giảm 35,3% so với cùng kỳ, là điều đáng lưu tâm.

Vốn đăng ký mới có lẽ sẽ chỉ có thể cải thiện khi trong tuần tới, Dự án Samsung Display tại Bắc Ninh, vốn đầu tư 1 tỷ USD sẽ được cấp chứng nhận đầu tư. Chưa kể, còn một dự án khác của Samsung, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, cũng sẽ được cấp chứng nhận đầu tư trong thời gian tới. Hai dự án tỷ USD này, cộng thêm cam kết triển khai nhanh dự án của Tập đoàn Samsung, có thể tác động tích cực đến cả vốn FDI đăng ký mới và giải ngân trong những tháng cuối năm.

Mặc dù vậy, thực tế là, vốn FDI vẫn đang giảm và trong khi nhà đầu tư bắt đầu xuất hiện tâm lý chờ đợi, thì Việt Nam lại không thể ngồi yên để chờ đợi. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua, cộng đồng nhà đầu tư đã tiếp tục hối thúc Chính phủ Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.

Dù niềm tin đối với Việt Nam vẫn còn, và các cam kết ở lại với Việt Nam đã được đưa ra, thì ngay cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã nhiều lần khẳng định, môi trường đầu tư của Việt Nam chậm được cải cách hơn so với một số quốc gia trong khu vực.

“Nếu không có những giải pháp đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thì Việt Nam khó cạnh tranh được với ngay cả Lào, Campuchia, Myanmar trong cuộc đua thu hút FDI”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm, cũng như các diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là chuyện đập phá nhà máy của một số doanh nghiệp FDI, tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng về việc Chính phủ Việt Nam cần có những đánh giá một cách chính xác, toàn diện về những tác động của tình hình Biển Đông đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như có giải pháp ứng phó.

Điều này cũng có ý nghĩa đối với việc thu hút FDI cũng như tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư