Thứ Tư, Ngày 23 tháng 07 năm 2025,
Giải pháp ứng phó với thách thức già hóa dân số tại Việt Nam
Dương Ngân - 22/07/2025 22:42
 
Tại Việt Nam, vấn đề già hóa dân số đang nổi lên như một thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp chiến lược và đồng bộ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho quốc gia trong tương lai gần.

Nhiều áp lực về công tác dân số

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), hiện nay, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 đến 64 chiếm trên 60% tổng dân số, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, giai đoạn dân số vàng của Việt Nam dự kiến chỉ kéo dài thêm khoảng một thập kỷ, trước khi bước vào giai đoạn già hóa. Đây là một bài toán cần được giải quyết ngay từ bây giờ để tránh nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng trong những năm tới.

TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó cục trưởng Cục Dân số,  Bộ Y tế, nhận định rằng Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Hiện nay, khoảng 12% dân số là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Con số này được dự báo sẽ vượt 20% vào năm 2035.

Điều đáng lo ngại là Việt Nam chỉ mất chưa đầy 25 năm để chuyển từ dân số trẻ sang dân số già, một tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu như Pháp (mất 100 năm) hay Thụy Điển (80 năm). Thực trạng này tạo ra áp lực rất lớn lên hệ thống an sinh xã hội, quỹ hưu trí và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã kêu gọi các bộ, ngành, địa phương và thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về dân số và phát triển tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và thực thi chính sách dân số. Đồng thời, bà cũng kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) trong quá trình thích ứng với biến đổi nhân khẩu học và bảo đảm quyền sinh sản cho mọi người dân. 

Bên cạnh vấn đề già hóa, mức sinh tại Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Các dự báo cho thấy, đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già và đến năm 2039, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ chiếm khoảng 20,6% tổng dân số. Sự chuyển dịch nhân khẩu học này sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, nhất là các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh lý thần kinh. Đồng thời, lực lượng lao động trẻ giảm sút do mức sinh thấp và dân số già hóa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Bên cạnh áp lực già hóa dân số, hiện tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,01 con/phụ nữ năm 2022 xuống 1,96 vào năm 2023 và 1,91 năm 2024, mức thấp nhất trong lịch sử. Sự suy giảm này ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu dân số và đòi hỏi những điều chỉnh về chính sách ngay từ bây giờ. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Việt Nam đang đối mặt với mức sinh thấp nhất trong lịch sử, kéo theo nguy cơ gia tăng tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số.

Từ thách thức đến cơ hội

Mặc dù già hóa dân số là một thách thức lớn, nhưng nếu được ứng phó đúng cách, đây cũng có thể là cơ hội để Việt Nam xây dựng một xã hội bền vững và nhân văn hơn. Các chuyên gia y tế cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là dịch vụ y tế và phục hồi chức năng tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức xã hội, coi người cao tuổi là nguồn lực chứ không chỉ là đối tượng cần chăm sóc. Việc hỗ trợ người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc và cống hiến là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Song song đó, để đối phó với tỷ lệ sinh thấp, Chính phủ cần tiếp tục khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con, thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao.

Trước thực trạng già hóa nhanh và mức sinh giảm mạnh, Việt Nam đã và đang thực hiện các điều chỉnh chính sách dân số quan trọng. Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, Cục đang tiến hành rà soát toàn diện các chính sách dân số, đồng thời xây dựng dự án Luật Dân số nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển trong tình hình mới. Luật Dân số dự kiến sẽ bao gồm các nhóm chính sách như duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe toàn dân; lồng ghép yếu tố dân số vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cặp vợ chồng trong việc sinh con, bao gồm quyết định thời điểm, số lượng và khoảng cách giữa các lần sinh.

Song song với chính sách duy trì mức sinh hợp lý, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nghề, thúc đẩy học tập suốt đời và cập nhật kỹ năng công nghệ là những yếu tố then chốt để người lao động thích ứng với thị trường trong tương lai.

Ngoài ra, chính sách lao động linh hoạt cũng cần được triển khai mạnh mẽ là kéo dài thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ tài chính cho các gia đình sinh đủ hai con, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội và cung cấp nhà ở phù hợp cho gia đình trẻ.

Dự thảo Luật Dân số dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đề xuất nhiều chính sách ưu tiên như: cải thiện chế độ nghỉ thai sản; hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh con; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; phát triển nhà ở xã hội; mở rộng dịch vụ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc và điều trị trước sinh và sơ sinh; nâng cao năng lực chăm sóc người cao tuổi.

Gia tăng áp lực y tế trước xu hướng già hóa dân số
Nhóm người cao tuổi hiện chiếm gần 13% tổng dân số nước ta và tỷ lệ này có xu hướng tăng. Trong khi đó, dịch vụ y tế chăm sóc cho người cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư