Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Già hóa dân số và căn bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
D.Ngân - 14/09/2024 14:46
 
Sa sút trí tuệ với nhiều thể bệnh khác nhau dần dần gây tàn phế, gây gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và an sinh xã hội.

Hệ lụy sức khỏe và áp lực kinh tế

Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi nếu không được chữa trị để ngăn bệnh tiến triển thì có thể dẫn đến các biến chứng hay hệ lụy nguy hiểm, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong. Cụ thể, nhiều người bệnh sa sút trí tuệ rơi vào tình trạng lười ăn/bỏ ăn do bị mất phản xạ nhai, nuốt.

Sa sút trí tuệ với nhiều thể bệnh khác nhau dần dần gây tàn phế, gây gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và an sinh xã hội.

Tình trạng này khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng/thiếu hụt dưỡng chất, càng làm cho chứng sa sút trí tuệ thêm nặng, gây suy giảm tuổi thọ của người bệnh.

Chứng khó nuốt do mắc bệnh sa sút trí tuệ làm tăng nguy cơ mắc nghẹn hoặc hút thức ăn vào trong phổi, có thể dẫn đến tình trạng tắc thở, viêm phổi.

Nếu chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi tiến triển, người bệnh không thể sinh hoạt như bình thường; không tự uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi không có sự hỗ trợ của người thân.

Người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ có thể gặp tình huống mất an toàn khi nấu ăn, lái xe, đi bộ một mình…

Chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi giai đoạn cuối có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, khiến người bệnh hôn mê, thậm chí tử vong.

Hiện chưa có phương pháp chẩn đoán đặc hiệu chính xác hội chứng bị sa sút trí tuệ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên bệnh sử, thăm khám thực thể, kết quả các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, những thay đổi trong suy nghĩ, hành vi… Qua đó, bác sỹ có thể chẩn đoán một người bị sa sút trí tuệ ở mức độ nào.

Tuy nhiên, việc xác định chính xác loại sa sút trí tuệ mà người bệnh mắc phải sẽ khó khăn hơn. Điều này còn tùy thuộc vào triệu chứng, sự thay đổi não bộ của từng loại sa sút trí tuệ, xem xét có tình trạng chồng chéo bệnh lên nhau.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ nói chung hay sa sút trí tuệ ở người cao tuổi nói riêng nhưng không xác định rõ loại bệnh sa sút trí tuệ. 

PGS-TS.Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, phần lớn cộng đồng coi sa sút trí tuệ (phổ biến là bệnh alzheimer) là lão hóa tự nhiên, song thực tế, đây là bệnh lý nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của gia đình, vì bệnh có những diễn biến đặc biệt nghiêm trọng nếu ở giai đoạn cuối. Bệnh đang đặt ra nhiều thách thức cấp bách với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Bệnh có nhiều triệu chứng, với nhiều thể bệnh khác nhau dần dần gây tàn phế, gây gánh nặng lớn cho người bệnh, cho gia đình, cho an sinh xã hội. Hiện nay chúng ta mới chỉ có thuốc điều trị triệu chứng, và thuốc nhằm thay đổi bệnh nhưng chưa có hiệu quả.

Tại Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, sa sút trí tuệ đang đặt ra nhiều thách thức to lớn. Có khoảng 5% người cao tuổi tại Việt Nam bị mắc bệnh sa sút trí tuệ, nhưng chỉ có khoảng 1% trong số này được quản lý và khám, điều trị.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương hiện đang quản lý khoảng 400-500 bệnh nhân sa sút trí tuệ được bảo hiểm y tế chi trả. Ngoài ra, số bệnh nhân đến khám không theo diện bảo hiểm cũng ngày càng tăng lên.

Còn theo PGS-TS.Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám. Số người được khám sớm, phát hiện sớm rất hạn chế.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương hiện đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu sa sút trí tuệ. Đây là nơi mà người bệnh nghi ngờ sẽ được định hướng chiến lược điều trị lâu dài hiệu quả, có biện pháp điều trị hiệu quả. Đồng thời, Trung tâm cũng tham mưu cho Ban lãnh đạo bệnh viện xây dựng chương trình hành động bệnh alzheimer một cách hiệu quả.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, số bệnh nhân đến khám theo chương trình quản lý chính thức của bệnh viện tăng gấp 2-3 lần.

Theo Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, muốn chăm sóc tốt và hiệu quả cho người bệnh alzheimer, gia đình cần phải dành tình yêu thương lớn vì quá trình chăm sóc này gian khổ, kéo dài, có thể làm người chăm sóc bị trầm cảm, chịu áp lực lớn. Vì thế, người chăm sóc cũng cần được hỗ trợ.

Với áp lực hiện nay, nhiều sang chấn tinh thần, bệnh alzheimer có xu hướng trẻ hóa. Nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh có yếu tố gia đình lớn nên cần chẩn đoán sớm ở đối tượng nguy cơ. Hiện nay, với sự trẻ hóa, bệnh sẽ đối mặt với thời gian dài sống chung với bệnh nên cần chẩn đoán, can thiệp sớm rất quan trọng.

Theo PGS-TS Nguyễn Trung Anh, trong tương lai, chúng ta có thể tiếp cận biện pháp tiên tiến như hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh sớm; một số thuốc điều trị hiệu quả vẫn đang được nghiên cứu.

Tuy nhiên, hiện nay, về cơ bản, bệnh cần phải chăm sóc tích cực, toàn diện, chi tiết. Theo đó, cộng đồng nói chung, người bệnh và gia đình người bệnh cần phải nhận thức sớm, đi khám để được chẩn đoán sớm.

Ông Trung Anh cũng mong các hoạt động cộng đồng sẽ nâng cao hiểu biết, thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi trong việc bảo vệ trí nhớ, khuyến khích người cao tuổi đi khám, chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ.

Ngăn ngừa cách nào?

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là tình trạng bệnh hiện chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn hay đảo ngược được quá trình tiến triển của bệnh.

Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, bác sỹ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và quản lý chúng tốt hơn bằng cách điều trị triệu chứng, giúp người thân chủ động hơn trong việc chăm sóc, kiểm soát bệnh.

Để giúp cải thiện các triệu chứng sa sút trí tuệ, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng các thuốc liên quan (như thuốc ức chế cholinesterase, memantine…), áp dụng các liệu pháp (như trị liệu nghề nghiệp, thay đổi môi trường, thực hiện nhiệm vụ đơn giản hơn…).

Người bệnh cũng nên tăng cường giao tiếp, tập thể dục, tham gia các hoạt động yêu thích, thiết lập thói quen ngủ khoa học, áp dụng chế độ dinh dưỡng cân đối, ngưng hút thuốc, uống rượu, ghi chú những điều cần nhớ trong ngày, nghe nhạc êm dịu… để hỗ trợ cải thiện triệu chứng sa sút trí tuệ.

Rèn luyện trí não: Thực hiện những hoạt động kích thích tinh thần, chẳng hạn như giải câu đố, đọc sách… nhằm trì hoãn sự khởi phát của bệnh sa sút trí tuệ.

Hoạt động thể chất và tương tác xã hội: Người bệnh nên luyện tập thể dục tối thiểu 150 phút/tuần và hạn chế ngồi lâu nhằm trì hoãn sự khởi phát của bệnh.

Không dùng chất kích thích/thuốc lá: Uống rượu bia và hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ, mắc bệnh tim mạch.

Bổ sung vitamin: Hàm lượng vitamin D trong máu thấp làm gia tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer cũng như các dạng sa sút trí tuệ khác. Mỗi người nên chủ động bổ sung vitamin D qua thực phẩm như hải sản, sữa, trứng… hoặc viên uống bổ sung (theo chỉ dẫn của bác sĩ). Vitamin B, C cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ.

Quản lý những yếu tố nguy cơ tim mạch: Bệnh tiểu đường, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt có thể tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ não - một trong những tác nhân dẫn đến chứng sa sút trí tuệ mạch máu. Mọi người nên chủ động điều trị, quản lý bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, cholesterol cao từ sớm (nếu mắc phải).

Duy trì khẩu phần ăn uống khoa học: Chế độ dinh dưỡng giàu rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chứa axit béo omega-3 có thể giúp làm giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ.

Đảm bảo giấc ngủ chất lượng: Ngủ ngon và đủ 8 tiếng mỗi đêm giúp trí não, hệ thần kinh khỏe mạnh, làm giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ.

TP.HCM thành lập tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch sởi tại trường học
Tổ phản ứng nhanh nhằm xử lý các ổ dịch xuất hiện trong trường học cho đến khi chiến dịch tiêm vắc-xin đạt mức bao phủ trên 95% trẻ từ 1-10...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư