Thứ Hai, Ngày 07 tháng 07 năm 2025,
Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phẫu thuật, giảm biến chứng nguy hiểm
D.Ngân - 07/07/2025 14:32
 
Hệ thống định vị 3 chiều tích hợp AI giúp phẫu thuật xoang chính xác, an toàn, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
TIN LIÊN QUAN

Theo GS-TS.Trần Phan Chung Thủy, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng ASEAN, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, các xoang mũi nằm gần nhiều cấu trúc giải phẫu quan trọng như hốc mắt, sàn sọ, dây thần kinh thị giác, động mạch cảnh trong… 

Chỉ cần một sai sót nhỏ trong phẫu thuật có thể để lại biến chứng nghiêm trọng như giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn, rò dịch não, liệt mặt, chảy máu ồ ạt... do phải thao tác chính xác trong không gian rất nhỏ hẹp.

Ứng dụng AI trong phẫu thuật viêm xoang tại cơ sở y tế.

Đặc biệt, những ca phẫu thuật xoang tái phát thường phức tạp hơn nhiều so với lần đầu tiên. Khi đó, cấu trúc xoang đã bị thay đổi, mô sẹo xơ hình thành làm mất các mốc giải phẫu tự nhiên. Việc xác định ranh giới giữa mô bệnh và mô lành trở nên khó khăn hơn, đồng thời thao tác bóc tách cũng nguy hiểm hơn. Nếu không loại bỏ hoàn toàn tổ chức viêm, bệnh có nguy cơ tiếp tục tái phát.

Tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phẫu thuật nội soi mũi xoang được triển khai với sự kết hợp hệ thống định vị 3 chiều (IGS) ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp bác sỹ chủ động lên kế hoạch chi tiết trước mỗi ca mổ. Trước phẫu thuật, hình ảnh chụp CT hoặc MRI của người bệnh được tải lên hệ thống, AI sẽ phân tích và lập bản đồ giải phẫu cá nhân hóa.

Hệ thống này đồng bộ dữ liệu giải phẫu thực tế của người bệnh với hình ảnh CT hiển thị trên màn hình, cho phép bác sỹ quan sát đồng thời trên màn hình nội soi. Trong khi đó, với phẫu thuật nội soi thông thường, bác sỹ phải tạm dừng thao tác để nhìn lại hình ảnh CT trên bảng hiển thị nhằm đảm bảo đúng vị trí can thiệp.

Trong quá trình phẫu thuật, hệ thống định vị tích hợp AI sẽ cung cấp hình ảnh thời gian thực, giúp bác sỹ xác định chính xác vị trí cần can thiệp, "dẫn đường" cho bác sỹ tiến vào xoang, điều khiển dụng cụ và cảnh báo khi tiến gần các vùng nguy hiểm như hốc mắt, sàn sọ, dây thần kinh thị giác… từ đó giảm tối đa các biến chứng.

“Điều này cực kỳ hữu ích cho bác sỹ trong việc lấy sạch bệnh tích một cách an toàn, đặc biệt với những ca mổ xoang tái phát khi cấu trúc giải phẫu đã thay đổi, nguy cơ biến chứng cao và đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối”, GS-TS.Chung Thủy chia sẻ.

Đây là điều mà phẫu thuật nội soi truyền thống không thể làm được, bởi dù có hỗ trợ camera, tầm nhìn của bác sỹ vẫn bị hạn chế, đặc biệt trong các ca phức tạp có mô sẹo và cấu trúc giải phẫu bị thay đổi.

GS-TS.Chung Thủy cho biết thêm, hệ thống định vị 3 chiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn giúp phẫu thuật các ca u mũi xoang xâm lấn sàn sọ an toàn hơn.

Trước đây, các trường hợp này phải mổ mở, khoan hộp sọ trước, gây biến dạng sọ mặt và khó kiểm soát ranh giới khối u, tiềm ẩn nguy cơ tổn thương các cấu trúc xung quanh như ổ mắt, động mạch sàn trước, thần kinh thị giác, tụ máu nội sọ.

Với hệ thống mới, bác sỹ có thể xác định rõ ràng vị trí khối u và giới hạn phẫu trường, từ đó lấy trọn khối u có liên quan đến sàn sọ, hốc mắt (bao gồm ung thư, u nhú ngược, u sợi mạch vòm mũi họng...) mà vẫn bảo tồn tối đa các cấu trúc quan trọng, hạn chế rủi ro biến chứng.

Kể về các ca bệnh đã điều trị, GS-TS.Chung Thủy cho hay, trường hợp của chị N.K.P. (45 tuổi) thường xuyên chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu vùng trán, sưng và lồi mắt trái, đau quanh hốc mắt. Mỗi khi chạm tay vào hốc mắt trái, chị cảm thấy cộm, như có một khối u nhỏ.

Qua nội soi tai mũi họng và chụp CT-scan, GS-TS.Chung Thủy chẩn đoán chị P. bị tái phát viêm đa xoang, u nhầy xoang trán và lệch vách ngăn.

U nhầy xoang trán hình thành do chất nhầy bị tích tụ bên trong xoang mà không thoát ra ngoài, gây tắc nghẽn ống dẫn lưu. Khối u phát triển lớn, lan xuống hốc mắt, chèn ép nhãn cầu và các cấu trúc quanh mắt khiến người bệnh bị lồi mắt và nặng đầu vùng trán.

GS-TS.Chung Thủy chỉ định phẫu thuật loại bỏ mô viêm và u nhầy, đồng thời thông khí trong xoang cho chị P. Nếu không phẫu thuật, khối u có thể tiếp tục phát triển, gây nhìn đôi, giảm thị lực hoặc chèn ép lên não dẫn đến viêm màng não, liệt mặt.

Chị P. từng phẫu thuật xoang trước đó để loại bỏ u nhầy xoang trán, nhưng nay bệnh đã tái phát. Theo GS-TS.Chung Thủy, sau lần phẫu thuật đầu, cấu trúc giải phẫu xoang đã bị thay đổi, đường dẫn lưu và các mốc giải phẫu bị thay thế bởi mô sẹo, xương tiêu biến, khiến nguy cơ biến chứng nếu tiếp tục mổ theo phương pháp truyền thống rất cao.

Ca mổ lần này được tiến hành với sự hỗ trợ của hệ thống nội soi Karl Storz (3D, độ phân giải 4K) và hệ thống định vị 3 chiều ứng dụng AI. Trước phẫu thuật, hình ảnh CT của chị P. được nhập vào hệ thống để tái tạo không gian xoang, đồng bộ dữ liệu và hiển thị trên màn hình.

Sau khi gây mê, một bộ cảm biến được gắn lên vùng trán của chị P. Công nghệ AI tiến hành quét 3D khuôn mặt, đối chiếu với dữ liệu CT và tự động căn chỉnh các điểm mốc giải phẫu, đảm bảo độ chính xác cao.

Trong khi phẫu thuật, GS-TS.Chung Thủy sử dụng dụng cụ gắn cảm biến. Hệ thống định vị AI hiển thị đường đi của dụng cụ trong thời gian thực trên bản đồ 3D xoang, đồng thời cảnh báo nếu dụng cụ tiến gần đến vùng nguy hiểm.

Ông dùng dụng cụ chuyên dụng mở rộng đường dẫn lưu xoang trán, tạo không gian tiếp cận u nhầy. Dưới sự dẫn hướng của hệ thống định vị, toàn bộ khối u được bóc tách cẩn thận mà không gây tổn thương mô lành, đồng thời dẫn lưu dịch mủ khỏi xoang.

Ca phẫu thuật thành công và kết thúc sớm hơn dự kiến gần một giờ. “Tôi không bị chảy máu nhiều như lần phẫu thuật trước”, chị P. chia sẻ. Sau 2 ngày, chị xuất viện, tái khám sau một tuần với tình trạng hồi phục tốt.

Một bệnh nhân khác là anh P.V.T. (45 tuổi) bị viêm xoang mạn tính và từng phẫu thuật nội soi xoang cách đây 5 năm. Tuy nhiên gần đây, anh liên tục bị nghẹt mũi, đau đầu nhiều, chảy dịch mủ kéo dài. Anh được chẩn đoán viêm xoang tái phát, kèm theo xơ dính và hẹp đường dẫn lưu xoang, một tình trạng phức tạp do mô sẹo hình thành sau phẫu thuật.

Theo GS.Chung Thủy, ảnh CT cho thấy hệ thống xoang của anh T. đã bị thay đổi bởi mô sẹo, khiến việc xác định ranh giới xoang rất khó khăn. Việc tiếp cận vùng tổn thương sâu bằng nội soi truyền thống gặp nhiều hạn chế.

Trong ca mổ, hệ thống định vị AI liên tục đối chiếu dữ liệu CT với khuôn mặt thực tế của bệnh nhân, hiển thị vị trí dụng cụ phẫu thuật theo thời gian thực.

Nhờ vậy, bác sỹ xác định được chính xác mô sẹo cần loại bỏ mà không làm tổn thương mô lành. Khi dụng cụ phẫu thuật tiếp cận các vùng nguy hiểm như dây thần kinh thị giác hoặc nền sọ, hệ thống AI tự động cảnh báo, giúp bác sỹ điều chỉnh kịp thời.

Sau hơn một giờ phẫu thuật, toàn bộ tổ chức viêm và mô sẹo được loại bỏ, đường dẫn lưu xoang được khơi thông mà không gây tổn thương vùng nguy hiểm. “So với các phương pháp truyền thống, AI không chỉ giúp ca mổ an toàn hơn mà còn rút ngắn thời gian phẫu thuật và hồi phục cho người bệnh”,GS-TS.Chung Thủy cho biết thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư