Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Giải tỏa cơn sốt vàng, tỷ giá
Trần Mạnh - 22/04/2024 07:33
 
Theo kế hoạch, hôm nay (22/4), lần đầu tiên sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC nhằm tăng cung cho thị trường, giảm bớt tình trạng sốt nóng của vàng, tỷ giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tính tới việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Vào cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước cũng công khai phương án can thiệp thị trường ngoại tệ để giảm bớt căng thẳng tỷ giá. Kết thúc tuần qua, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tại Việt Nam tiến sát mốc kỷ lục 26.000 VND/USD. Tỷ giá VND/USD niêm yết tại các ngân hàng cũng liên tục tăng kịch trần, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, tiền đồng Việt Nam (VND) đã mất giá gần 5% so với USD. Tuy đó chỉ là ở mức trung bình so với khu vực, song đã ở mức cảnh báo. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, NHNN công bố sẽ bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm. Dù vậy, sau tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Với vàng, kết thúc tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 40 USD/ounce, tổng cộng tăng gần 400 USD/ounce kể từ đầu năm tới nay và đang ở mức giá cao nhất mọi thời đại. Giá vàng trên thị trường trong nước cũng tăng hơn 20% kể từ đầu năm tới nay và tiếp tục neo cao với thế giới.

Mặc dù tình trạng vàng hóa, đô la hóa đã được đẩy lùi, song cơn sốt vàng, USD vẫn tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu. Hơn nữa, diễn biến tỷ giá VND/USD đang gây áp lực không nhỏ lên lãi suất, đe dọa mục tiêu giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Nếu diễn biến của giá vàng được cho là không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động sản xuất, thì diễn biến của tỷ giá, lãi suất lại khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên khi nhìn thấy khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng vì tỷ giá.

Trong bối cảnh trên, việc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp thị trường được coi là “chẳng đặng đừng” khi các biện pháp can thiệp trước đây, trong đó có phát hành tín phiếu tiền Việt, không mang lại hiệu quả như mong đợi. Thực trạng cầu ngoại tệ tăng theo đà phục hồi của nhập khẩu và lãi suất VND quá thấp, thậm chí còn âm so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng càng khiến tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng.    

Dĩ nhiên, với cán cân thương mại thực dương, kiều hối và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ổn định, cộng với quỹ dự trữ ngoại hối gần 100 tỷ USD hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có đủ tiềm lực để can thiệp thị trường, cung - cầu ngoại tệ vẫn được bảo đảm. Dù vậy, một khi tình trạng này kéo dài, thì cơ quan này sẽ gặp thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Lý do là tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị VND và sức mua của người Việt Nam, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đến tâm lý thị trường, niềm tin của nhà đầu tư…

Để góp phần giữ ổn định tỷ giá, có lẽ, trong lúc này, doanh nghiệp phải chấp nhận thực tế là lãi suất VND không thể hạ thêm.

Còn nhớ, vào năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt trong giảm lãi suất điều hành với 4 lần giảm. Tuy nhiên, lãi suất giảm quá thấp lại phát sinh một số tác dụng phụ. Dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng, đổ vào vàng, USD, chung cư… là một trong những tác dụng phụ đó. 

Như vậy, trong bất kỳ tình huống nào, điều quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là cần đảm bảo được giá trị VND. Nếu Ngân hàng Nhà nước làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị VND thì dòng tiền chảy vào vàng, ngoại tệ, nhà đất… sẽ đuối dần.

Rất nhiều sức ép đang đè nặng chính sách quản lý điều hành thị trường vàng, tỷ giá và đây là bài toán hóc búa. Đương nhiên, ổn định tỷ giá không có nghĩa là cố định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo cơ chế linh hoạt, làm sao để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung, thực hiện được mục tiêu đặt ra. Đó là điều hành tỷ giá phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phiên đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra vào 10h sáng thứ Hai tuần tới (22/4) tại Cục Quản lý dự trữ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư