Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Giám đốc Kinh doanh Đại Đồng Tiến: Hội nhập là cơ hội tốt
Công Sang - 21/04/2016 20:36
 
Làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam từ phía các đối thủ Thái Lan thời gian qua dường như không làm Công ty Đại Đồng Tiến lo ngại. Thậm chí doanh nghiệp còn xem đây là cơ hội bởi nhiều kế hoạch đã được bắt đầu từ cách đây 4 năm.

Không ngại người Thái

Tập đoàn SCG (Thái Lan) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Với lợi thế sở hữu một số nhà máy lọc dầu ở khu vực Đông Nam Á, SCG có thế mạnh rất lớn về nguồn vốn và nguồn nguyên liệu trong ngành nhựa.

Trong năm 2015, SCG đã rót vốn và thâu tóm khoảng 20 doanh nghiệp nhựa trong nước. Trong đó có những doanh nghiệp mà SCG nằm tới 80% cổ phần như Công ty Bao bì Tín Thành.

Sản phẩm của Công ty  Đại Đồng Tiến
Sản phẩm của Công ty Đại Đồng Tiến

Bên cạnh đó, việc mua hàng loạt chuỗi siêu thị hiện đại trong  nước của các doanh nghiệp Thái Lan cũng khiến đất dành cho hàng Việt ở kênh bán hàng này nói chung và ngành nhựa nói riêng được dự báo là khan hiếm hơn trong thời gian tới.

Với thực trạng này, bức tranh của ngành nhựa Việt Nam được dự đoán là khá u ám. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Thơ, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Đại Đồng Tiến lại vẫn tự tin cho hay, thị trường nhựa gia dụng vẫn còn nhiều dư địa cho Công ty phát triển.

Về khách quan, tính đến nay, người Thái chỉ mới mua lại các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hoạt động trong ngành bao bì mềm, ống nước. Chưa có thông tin chính thức về việc các công ty nhựa gia dụng trong nước bị thâu tóm bởi người Thái.

Bên cạnh đó, đặc thù sản phẩm ngành nhựa là chiếm diện tích, dẫn tới chi phí vận chuyển cao, khiến hàng nhập khẩu không dễ cạnh tranh với hàng trong nước cùng chất lượng, dù hàng rào thuế quan không còn.

Về chủ quan, Đại Đồng Tiến đã chuẩn bị cho việc hội nhập từ giai đoạn 2010-2011. Để đối phó với việc có thể bị đẩy hàng ra khỏi các kênh bán hàng hiện đại, hiện Công ty sở hữu 1.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Ông Thơ cho biết, Công ty đầu tư đội ngũ bán hàng và nắm khá vững thị trường nông thôn. Chiến lược trong thời gian tới là tập trung nhiều vào thị trường nông thôn.

Sản phẩm của Đại Đồng Tiến hiện cũng khá đa dạng, ngoại trừ ngành hàng nhựa gia dụng, Công ty còn cung cấp các sản phẩm như pallet nhựa, két bia, nhựa công nghiệp, bao bì cứng. Đặc biệt đối với mảng bao bì cứng, Đại Đồng Tiến đang dẫn đầu thị trường khi nắm đến 30% thị phần.

Ông Thơ cho biết, trong năm 2015, doanh thu của Đại Đồng Tiến xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng từ 20 - 30% mỗi năm và thị trường trong nước chiếm hơn 70% tổng doanh thu.

“Đại Đồng Tiến chưa bao giờ chủ quan trong hội nhập. Việc chuẩn bị từ sớm giúp chúng tôi có những bước đi khá vững vàng”, ông Thơ nói.

Đầu tư phát triển nguyên liệu phục vụ xu hướng mới

Song song với việc giữ vững thị trường nội địa, Đại Đồng Tiến đang đầu tư phát triển những nhóm sản phẩm, nguyên liệu đang là xu thế của thị trường ASEAN như công nghệ dán nhãn trong khuôn (IML) và nhựa, decal đổi màu. Ông Thơ cho hay, Công ty cũng là doanh nghiệp đầu tiên ở Viêt Nam đầu tư vào hai công nghệ nói trên.

Với IML, công nghệ này giúp sau khi ép, nhãn sẽ được dán mặt trên bề mặt sản phẩm giúp bỏ khâu dán nhãn bằng tay như hiện nay. Điển hình là mặt hàng mì gói, hiện nay nhiều nước trong khu vực ASEAN đã tiến tới việc thay thế mì gói bằng mì ly vì bao bì bằng ny-lon mất cả trăm năm chưa phân hủy xong. Hay ngành kem, thủy hải sản đóng hộp, việc bảo quản với nhiệt độ lạnh cao sẽ ảnh hưởng đến phần decal dán bên ngoài.

Đầu tư từ tháng 11/2015, nhà máy đóng gói bao bì của Đại Đồng Tiến có công suất 8 - 10 giây/sản phẩm. Bên cạnh đó, với công nghệ IML, việc in ấn do robot tự động điều khiển, khiến giảm thiểu lao động sử dụng cũng như giảm khả năng lây nhiễm chéo từ con người. Giá thành sản phẩm của Đại Đồng Tiến vì thế hiện thấp hơn từ 3-5% so với thị trường.

Kế đến là nhựa, decal đổi màu cho phép sản phẩm đổi màu theo khi nhiệt độ chất lượng bên trong thay đổi. Đây là sản phẩm nằm trong chiến lược sử dụng nguyên liệu mới của Đại Đồng Tiến và hiện đã có khách hàng trong ngành tiêu dùng nhanh đặt hàng.

Ông Thơ ước tính, chỉ tính riêng ngành thực phẩm và ngành hàng tiêu dùng nhanh, giá trị thị trường bao bì mềm, nhãn đổi màu đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Trên thực tế, đây là xu hướng không mới ở thị trường ASEAN, điển hình là Thái Lan. Với thực tế nhãn để in theo công nghệ IML, Đại Đồng Tiến vẫn đang nhập khẩu từ Thái Lan nhưng ông Thơ không cho rằng, đây là một bất lợi vì hiện nay đã có hai, ba doanh nghiệp trong nước làm được các loại nhãn này. Mặt khác khi hội nhập ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ một thị trường. Hiện nguồn nguyên liệu này đang được cung cấp từ khu vực ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Cũng không chỉ nhắm tới thị trường nội địa, sản phẩm của Đại Đồng Tiến hiện đã có mặt tại hơn 20 quốc gia như Trung Đông, Australia, Newzealand, Đức, Anh, Pháp, Mỹ. Sản phẩm của Đại Đồng Tiến cũng đã đạt nhiều chuẩn chất lượng quốc tế, mà gần đây nhất là Tiêu chuẩn ICTI Seal A của Hội đồng Quốc tế về ngành Công nghiệp đồ chơi trẻ em.

“Đại Đồng Tiến đã nghiên cứu và chuẩn bị rất kỹ khi các thị trường liên thông với nhau, hàng người ta vào nước mình được thì hàng của chúng tôi cũng phải vào nước họ được”, ông Thơ nói.

Tọa đàm CEO Việt Nam 2016: Hội nhập cần tỉnh táo và toan tính
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó FTA với Liên Minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp đối tác Thái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư