Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giãn lộ trình ‘siết’ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Vân Linh - 12/08/2020 08:49
 
Đề xuất lùi lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được dư luận đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, ngoài giảm dư nợ trung, dài hạn, ngân hàng có thể tăng vốn huy động.
Để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, ngoài giảm dư nợ trung, dài hạn, ngân hàng có thể tăng vốn huy động.

Lùi thời hạn 6 tháng đến 1 năm

NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2020/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Dự thảo đề xuất 2 phương án lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 6 hoặc 12 tháng so với quy định.

Cụ thể, phương án thứ nhất là tiếp tục giữ tỷ lệ tối đa của vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 40% đến ngày 31/3/2021 và sẽ hạ dần theo tỷ lệ cũ trong các năm tiếp theo. Với phương án thứ hai, các ngân hàng sẽ duy trì tỷ lệ 40% đến hết ngày 30/9/2021 và hạ dần sau đó. Theo lý giải của NHNN, để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn.

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động theo chiều hướng giảm, ngân hàng khó huy động vốn dài ngày để cân đối lại nguồn, đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 40% về 37% từ ngày 1/10/2020 theo lộ trình tại Thông tư 22. Nếu đề xuất lùi thời hạn siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 6 hoặc 12 tháng được thông qua, các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để đẩy mạnh huy động vốn dài ngày, cân đối lại nguồn vốn.

Trước đó, cuối năm 2019, NHNN đã đặt ra lộ trình để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, nhằm tăng cường an toàn hệ thống và an toàn thanh khoản thông qua việc ban hành Thông tư 22. Theo đó, lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn như sau: từ ngày 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; từ ngày 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; từ ngày 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34%; từ ngày 1/10/2022 là 30%.

Tháo gỡ một phần khó khăn cho các tổ chức tín dụng

Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng đến cuối tháng 3/2020 là 29%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện 14 ngân hàng có trụ sở trên địa bàn Thành phố đã đáp ứng quy định của Thông tư 22, thậm chí giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về dưới mức 40%. Các ngân hàng không dám “vượt rào”, bởi nếu bị phát hiện, sẽ bị xử phạt nặng.

Trong 20 năm qua, NHNN đã nhiều lần thay đổi quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn. Trong đó, giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2015, NHNN “mở” quy định về tỷ lệ giới hạn tại Thông tư 13/2010/NHNN. Sau đó, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/NHH quy định trở lại tỷ lệ giới hạn là 60%, rồi giảm về 45% và 40% từ ngày 1/1/2019 và đến nay là Thông tư 22/2020/TT-NHNN.

Trên thực tế, việc cơ cấu lại nợ có thể khiến dư nợ chuyển từ ngắn hạn sang trung, dài hạn, tác động đến cơ cấu nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào, chứng tỏ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không phải là vướng mắc. Nhưng việc lùi lộ trình sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho các tổ chức tín dụng, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất… cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu nợ, gia hạn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, nhằm giữ các khoản nợ không bị chuyển nhóm do khách hàng mất khả năng trả nợ. Chính điều này cũng khiến một phần dư nợ chuyển từ ngắn hạn sang trung, dài hạn, tác động đến cơ cấu nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng.

Theo Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, ngân hàng này đã chủ động giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, trước khó khăn của thị trường do tác động của Covid-19, để đáp ứng lộ trình mà Thông tư 22 đưa ra là điều không dễ. Vì thế, việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn tại Thông tư này là cần thiết.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ của Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, diễn tiến Covid-19 chưa thể dự báo, nên ngân hàng ủng hộ phương án lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn. Điều này sẽ tác động tích cực tới thị trường tín dụng, khi Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực.

Để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, ngoài cách giảm dư nợ trung, dài hạn, ngân hàng có thể tăng vốn huy động. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, việc thu hút vốn trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay không đơn giản, nhất là trước bối cảnh dịch bệnh và giá vàng ngày càng tăng.

Ngân hàng Nhà nước chính thức áp lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư