Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gian nan lo mặt bằng sạch và vốn phục vụ dự án điện
Thanh Hương - 10/12/2022 14:43
 
Có 20 địa phương được kiến nghị tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ để giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ tiến độ các công trình điện.
Các dự án truyền tải điện của EVN đang đối mặt với thách thức lớn về giải phóng mặt bằng.  Ảnh: Đức Thanh

Cầu cứu địa phương hỗ trợ

Trong Báo cáo tình hình đầu tư các dự án điện trọng điểm đến tháng 11/2022 được ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực có kiến nghị 20 địa phương về tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình điện.

Đó là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Long An, Kiên Giang, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Nam, Bắc Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc với các dự án rất cụ thể.

Sở dĩ có kiến nghị trên là bởi hàng loạt công trình truyền tải khác mà EVN và các đơn vị đang triển khai cũng đang đối mặt với thách thức lớn về giải phóng mặt bằng.

Đó là, hầu hết các dự án lưới điện truyền tải, phân phối do EVN và các đơn vị thành viên của EVN làm chủ đầu tư đều phải đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nên phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại UBND cấp tỉnh theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 32, Luật Đầu tư năm 2020.

Tuy nhiên, nhiều dự án đường dây truyền tải điện, phân phối điện trong số này có phạm vi trải dài trên địa bàn 2 tỉnh trở lên, nên phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (theo khoản 3, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2020), mà không phân biệt nhóm dự án. Như vậy, công tác triển khai cũng sẽ lâu hơn.

Một nguyên nhân lớn khác ảnh hưởng đến tiến độ hầu hết các dự án lưới điện được EVN nhắc tới là người dân bị ảnh hưởng không chấp thuận đơn giá bồi thường, hỗ trợ theo cơ chế chính sách hiện hành và phương án bồi thường đã được cấp có thẩm quyền tại địa phương phê duyệt.

Ngoài ra, việc sử dụng đất tạm thời để thi công do đơn vị thi công và người sử dụng đất thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự. Trong khi đó, chủ tài sản (người sử dụng đất) yêu cầu với giá cao, không có cơ sở, dẫn đến mất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục hộ dân chấp thuận bồi thường, hỗ trợ đất mượn thi công.

Bên cạnh đó, một số dự án truyền tải phải điều chỉnh hướng tuyến, điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của các địa phương để tránh quy hoạch các dự án hạ tầng, mặc dù trước đây, địa phương đã phê duyệt, thỏa thuận hướng tuyến, vị trí xây dựng dự án.

Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đăng ký kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án điện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư các dự án. Công tác quản lý đất đai ở nhiều địa phương còn bất cập, dẫn đến kéo dài thời gian xác định nguồn gốc đất.

Muôn nẻo khó huy động vốn

Báo cáo công tác đầu tư xây dựng các dự án điện của EVN cũng nhắc tới khó khăn về cấp tín dụng vượt giới hạn.

“Phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước có khả năng cho vay đều đã vượt giới hạn tín dụng đối với EVN và các đơn vị thành viên theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Để cấp tín dụng vượt giới hạn, các ngân hàng phải hoàn tất các thủ tục theo quy định tại Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy trình này thường kéo dài, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu xếp vốn của các dự án điện”, Báo cáo viết.

Cũng có vướng mắc liên quan đến phê duyệt hợp đồng thế chấp tài sản (đối với các hợp đồng mà giá trị dự kiến của tài sản thế chấp vượt quá mức dự án nhóm B theo Luật Đầu tư công) làm kéo dài thời gian thu xếp vốn cho các dự án.

Với nguồn vay vốn ODA/ưu đãi nước ngoài, theo EVN, quy định tại Luật Quản lý nợ công, hầu hết các dự án của EVN phải áp dụng cơ chế cho vay lại chịu rủi ro tín dụng. Do đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện cho EVN vay lại sẽ gặp vướng mắc liên quan đến giới hạn tín dụng. Đồng thời, việc xác định cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các tổng công ty do EVN sở hữu 100% vốn chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, việc vay vốn có bảo lãnh Chính phủ lại đang gặp khó khăn với Luật Quản lý nợ công năm 2017. Theo đó, quy định đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ là dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Vì vậy, để được cấp bảo lãnh Chính phủ, các dự án của EVN phải trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Đối với vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ, Báo cáo của EVN cũng cho hay, các quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp được vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả, với điều kiện khoản vay nằm trong hạn mức vay nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm. Tuy nhiên, EVN chỉ được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay - tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài không vượt quá mức dự án nhóm B (Quy định tại khoản 11, Điều 6, Nghị định 10/2017/NĐ-CP).

Trong khi đó, tổng mức đầu tư của hầu hết các dự án nguồn điện do EVN triển khai đều vượt mức dự án nhóm B, nên EVN gặp rất nhiều khó khăn khi thu xếp vốn vay nước ngoài theo phương thức tự vay - tự trả cho các dự án này.

Với vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ, EVN kiến nghị cho phép được ký hợp đồng vay vốn theo phương thức tự vay - tự chịu trách nhiệm trả nợ, không giới hạn giá trị khoản vay ở mức dự án nhóm B như quy định chung đối với các doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

Cho phép Hội đồng Thành viên EVN phê duyệt các hợp đồng thế chấp tài sản theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và không giới hạn ở mức dự án nhóm B như quy định tại Luật 69/2014/QH-13.

“Đỏ mắt” chờ dự án điện khởi công
Dù nhu cầu tiêu thụ điện hiện ở mức thấp, nhưng việc thiếu vắng các dự án điện mới được xây dựng sẽ gây hẫng hụt trong đảm bảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư