Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giáo dục tìm thuốc cho bệnh thành tích, hư danh
Nguyên Đức - 20/11/2013 09:52
 
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay là dịp để tri ân các thế hệ thầy cô giáo, đồng thời ghi nhận những thành tựu và đóng góp vô cùng to lớn của nền giáo dục nước nhà, song cũng không thể không nhắc tới những tồn tại của ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam. Giáo dục ngoài công lập ngày càng teo tóp

Trong bối cảnh xã hội đang đòi hỏi Việt Nam phải có được nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì vai trò của giáo dục - đào tạo ngày càng quan trọng.

Đây là điều hiển nhiên bởi từ xưa đến nay, hiền tài được xem là “nguyên khí quốc gia”. Và hiện tại , chất lượng nguồn nhân lực được xem là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo dục tìm thuốc cho bệnh thành tích, hư danh
Giáo dục - đào tạo có vai trò to lớn trong việc xây dựng nguồn nhân lực
chất lượng ngày càng cao để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước

Song chưa bao giờ, những đòi hỏi về đổi mới giáo dục - đào tạo lại được đặt ra một cách mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay, bởi ngành này đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế.

Đó là chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thấp so với yêu cầu.

Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, với nhu cầu của thị trường lao động. Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả...

Nguyên nhân có nhiều, song trước hết đó là bệnh hình thức, hư danh, chạy theo thành tích... của cả người dạy lẫn người học. Đạo đức học đường đang bị tác động. Tâm huyết với nghề của một bộ phận giáo viên suy giảm nghiêm trọng...

Bao nhiêu tồn tại, hạn chế là bấy nhiêu đòi hỏi phải đổi mới. Đổi mới từ giáo dục mầm non tới giáo dục đại học, đổi mới trong cả đào tạo nghề, đổi mới trong cả tư duy...

Chuyện đổi mới giáo dục, trên thực tế, đã được Việt Nam thực hiện trong suốt thời gian qua. Song chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo chưa được như kỳ vọng là một bằng chứng cho thấy, công cuộc đổi mới giáo dục của Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, cần phải triển khai quyết liệt hơn.

Đáng mừng là, chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đã đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc xã hội hóa giáo dục cũng đã được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập, bao gồm cả các trường học có vốn đầu tư nước ngoài, đã góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội.

Song một cách thẳng thắn, Việt Nam hiện quá thiếu hệ thống các trường đại học đẳng cấp quốc tế, trong khi quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đang đòi hỏi Việt Nam có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng nguồn nhân lực là một điểm nghẽn của nền kinh tế mặc dù Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 coi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược.

Nói vậy để hiểu rằng, đã đến lúc phải coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đầu tư cho giáo dục phải được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đúng như Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định.

Trong khi nguồn vốn đầu tư ngân sách có hạn, thì việc tăng cường xã hội hoá giáo dục theo tinh thần Nghị định 73/1999-NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và các văn bản bổ sung là rất cần thiết để khuyến khích mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục.

Tất nhiên, không phải bằng cách xây trường học, đặc biệt là các trường đại học một cách tràn lan, thiếu kiểm soát, chất lượng thấp như từng có. Vấn đề là phải làm sao huy động được vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, nhằm tận dụng được tài chính, kinh nghiệm, công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại của các quốc gia phát triển.

Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo đã có. Điều cần trong lúc này là thực thi quyết liệt và hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, nghị định của Chính phủ để nền giáo dục Việt Nam có thể sánh tầm khu vực và quốc tế. Cần tạo môi trường cho “dạy và học”, “học gắn với hành”, “thầy ra thầy, trò ra trò”, từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Đây là điều kiện cần thiết nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây cũng là mong muốn thiết tha của các nhà giáo chân chính, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Làm bình quân không khuyến khích đầu tư giáo dục
"Hiện rất nhiều người dân có khả năng đầu tư vào giáo dục cao hơn. Nếu chúng ta làm bình quân thì khả năng thu hút nguồn đầu tư vào giáo dục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư