Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Gieo mầm cho những mùa vàng Việt - Nga bội thu
Trở lại nước Nga sau 30 năm, sau thời gian học tập và làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Nga mang tên M. Lomonosov, có dịp đến thăm, làm việc tại nhiều địa phương của Liên bang Nga, tôi càng cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi cũng như mức độ hoành tráng, mênh mông của đất nước này, đặc biệt là tiềm năng to lớn của các chủ thể Liên bang Nga trong hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh (bên trái) làm việc với Thống đốc tỉnh Ulianovsk (Liên bang Nga).
Đại sứ Ngô Đức Mạnh (bên trái) làm việc với Thống đốc tỉnh Ulianovsk (Liên bang Nga).

Nồng ấm những nẻo đường nước Nga

Ngay tại cuộc giao ban đầu tiên với các cán bộ Đại sứ quán, tôi đã bày tỏ mong muốn và nêu kế hoạch đi thăm được càng nhiều càng tốt các địa phương của bạn ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ để tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa các địa phương. Tôi xác định đây là dịp để tiếp tục khai thác những mối quan hệ đã có và “gieo mầm” cho các cơ hội hợp tác mới qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các vị lãnh đạo địa phương. Đồng thời, tôi cũng háo hức muốn biết về một nước Nga ở các vùng xa xôi, khu vực nông thôn hoặc ở rất nhiều nơi khác nữa mà tôi chưa có dịp đến thăm.

Tôi nhận thấy Moscow đã đẹp lên rất nhiều và các thành phố, địa phương khác của Nga cũng đã thay đổi nhanh chóng, sạch sẽ và khang trang hơn, mặc dù bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt. Hơn thế nữa, tôi biết, cộng đồng người Việt Nam tuy tập trung ở Moscow, nhưng cũng đang sống rải rác ở nhiều nơi khác nữa. Đến các địa phương có đông người Việt sinh sống cũng chính là về với bà con mình như những lần trước, lúc còn là đại biểu Quốc hội, tôi đi tiếp xúc cử tri  để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con mình.

Địa phương đầu tiên tôi tới thăm chính thức là thành phố St. Petersburg, còn được gọi là “thủ đô phương Bắc” của Liên bang Nga, nơi 95 năm về trước (1923), Bác Hồ lần đầu tiên đã đặt chân tới nước Nga để tìm đường cứu nước. St. Petersburg là thành phố lớn thứ hai tại Liên bang Nga, là trung tâm du lịch, thương mại, tài chính và công nghiệp của Nga với nhiều ngành công nghiệp tiên tiến như đóng tàu, công nghệ vũ trụ, radio, điện tử, phần mềm, chế tạo máy, luyện kim, hóa chất, dược phẩm..., nhưng chắc không nhiều người biết tới sự phát triển công nghệ xử lý nước cực kỳ hiện đại của thành phố này. Buổi trưa hôm chiêu đãi đoàn, Thống đốc Poltavchenko mời khách món cá hiếm được đánh bắt từ sông Nheva chảy qua Thành phố. Ông cho biết, chất lượng nước của con sông này là hoàn toàn đảm bảo và toàn bộ nước thải của Thành phố hơn 5 triệu dân cùng với hơn 8 triệu khách du lịch đến thăm vào năm 2018 đều được xử lý triệt để.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, St.Petersburg đã nổi lên như một trong những trung tâm hàng đầu với các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ cao, có thể chữa được các bệnh hiểm nghèo, trong đó, việc chẩn đoán và chữa trị bệnh ung thư có những tiến triển vượt bậc. Thành phố St. Petersburg đã thiết lập quan hệ kết nghĩa, hợp tác với TP.HCM, Hải Phòng và Khánh Hòa của Việt Nam. Điều đặc biệt nữa, St. Petersburg là nơi duy nhất trên thế giới có Viện Hồ Chí Minh và tượng Bác Hồ trong khuôn viên của một trường đại học. Thống đốc và lãnh đạo các cơ quan của Thành phố rất quan tâm tới thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, nhất là về kinh tế - thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo. Cảm ơn việc chọn Thành phố là nơi khởi đầu hành trình thăm các địa phương, Thống đốc G. Poltavchenko rất vui vẻ dành sự đón tiếp chu đáo, trọng thị và chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc để tổ chức tốt các sự kiện do Thành phố đăng cai nhân sự kiện 95 năm ngày Bác Hồ đến nước Nga.

Tôi thật sự ngỡ ngàng và xúc động trước những tình cảm và sự trân quý mà lãnh đạo và người dân St. Petersburg dành cho Bác. Thành phố đã tổ chức hàng loạt sự kiện, bắt đầu từ Hội thảo khoa học và thực tiễn (16/3/2018) kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tới nước Nga tại Điện Smolnuy với sự tham gia của Tổ chức Thanh niên Nga, các nhà Việt Nam học, các chuyên gia của Nga, các nghiên cứu sinh và sinh viên của Việt Nam. Tiếp đến là Diễn đàn Văn hóa - Doanh nghiệp Nga - Việt (17-19/5/2018) có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM và đoàn đại biểu tỉnh  Khánh Hòa, TP. Hải Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sang tham dự, cùng với các doanh nghiệp của hai nước để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi về các giải pháp cụ thể tăng cường mối quan hệ kết nghĩa với nhau.

Từ lần gặp gỡ đầu tiên, tôi đã có mối quan hệ thân tình, cởi mở với chính quyền TP. St. Petersburg và trong năm qua, tôi đã tới St. Petersburg đến bốn lần. Phong thái làm việc quyết liệt, cụ thể của Thống đốc Poltavchenko và gần đây là Quyền Thống đốc A. Beglov đã cho chúng tôi gặt hái những kết quả đầu tiên. Quan hệ kết nghĩa giữa St. Petersburg và một số địa phương khác của Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng sáng kiến xây dựng tại St. Petersburg Trung tâm Văn hóa và Kinh doanh của TP.HCM, về khả năng mở các chuyến bay thuê bao thẳng St. Petersburg – TP.HCM, về sự giao lưu tích cực của giới trẻ hai nước qua Diễn đàn Thanh niên Nga - Việt lần thứ nhất tại St. Petersburg (11/2018), lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Việt Nam (4/2019) và tiếp đó, lần thứ ba tại St. Petersburg (9/2019). Thành phố cũng đã sẵn sàng cho nhiều hoạt động trong năm Chéo 2019 như triển lãm “Nghệ thuật Việt Nam cổ đại” tại bảo tàng nổi tiếng Hermitage trong Cung điện Mùa đông; trưng bày các hiện vật của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Hội thảo “Di sản tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm”; Những ngày TP.HCM tại St. Petersburg; các Hội thảo doanh nghiệp Việt - Nga…

Tiếp theo St. Petersburg, tôi đã đến thăm nhiều địa phương khác như các tỉnh Ulianovsk, Kaluga, Tula, Krasnodar, các nước Cộng hòa Bashkortostan, Tatarstan... Đâu đâu, tôi cũng cảm nhận sự nồng ấm, chân tình của mọi người đối với Bác Hồ, với Việt Nam; mong muốn làm được gì đó để tăng cường hợp tác về mọi mặt giữa hai đất nước. Tại TP. Ulianovsk thuộc tỉnh Ulianov, quê hương của V.I.Lenin, địa phương kết nghĩa với tỉnh Nghệ An, có đại lộ Hồ Chí Minh và tượng đài Bác toàn thân đặt tại nơi trang trọng của Thành phố. Mọi người đều nhớ lại ngày khánh thành tượng Bác cũng là ngày hội của Thành phố và bây giờ, hàng ngày, người dân nơi đây vẫn luôn có ý thức giữ cho khuôn viên nơi đặt tượng lúc nào cũng sạch sẽ, cũng như trồng hoa, chăm sóc cây cảnh xung quanh. Trong chuyến thăm Ulianovsk, tôi cũng đã có dịp trao đổi cụ thể với Thống đốc của tỉnh và đang nỗ lực thúc đẩy việc dựng tượng V. Lê Nin tại TP. Vinh (Nghệ An); việc trao đổi đoàn giáo viên và học sinh Trường THPT số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh Ulianovsk kết nghĩa với trường Phan Bội Châu (Nghệ An) trong năm 2019.

Còn tại Cộng hòa Bashkortostan nằm ở miền trung nước Nga, nơi lục địa châu Âu và châu Á giáp nhau, là địa phương có thế mạnh cả về công nghiệp dầu khí, hóa dầu và nông lâm nghiệp, tôi được Tổng thống nước Cộng hòa Bashkortostan cho xem những bức ảnh quý về đoàn văn công đầu tiên của Liên Xô cũng là của nước Cộng  hòa này đã đến biểu diễn tại Việt Nam hơn 60 năm về trước. Bạn còn bố trí cho tôi tới thăm nhà máy sản xuất các thiết bị khoan dầu “Burintex” và rất mong được hợp tác với Việt Nam trong khai thác dầu khí, chứ không chỉ dừng ở việc đào tạo các cán bộ và sinh viên ngành dầu khí tại Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật dầu khí quốc gia Upha như hiện nay. Một vùng đất tươi đẹp có những tiềm năng, thế mạnh về dầu khí, hóa dầu, lọc dầu, chế biến gỗ, sản xuất nông nghiệp, nơi có cơ sở nghỉ dưỡng lý tưởng để phục hồi sức khỏe cho các nhà du hành vũ trụ sau những chuyến bay, lại chính là địa chỉ  tin cậy mà chúng tôi đã và đang nỗ lực chắp nối để thiết lập quan hệ kết nghĩa với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là sau chuyến thăm của đồng chí Bí thư tỉnh ủy vào tháng 9 vừa qua đến nước Cộng  hòa này.

Đại sứ Ngô Đức Mạnh tặng Thống đốc tỉnh Tula Aleksey Dyumin bình gốm Chu Đậu. Thống đốc tỉnh Tula Aleksey Dyumin (ngoài cùng bên phải) đang giới thiệu với Đại sứ Ngô Đức Mạnh chiếc ấm truyền thống của Nga trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Tu.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh tặng Thống đốc tỉnh Tula Aleksey Dyumin bình gốm Chu Đậu. Thống đốc tỉnh Tula Aleksey Dyumin (ngoài cùng bên phải) đang giới thiệu với Đại sứ Ngô Đức Mạnh chiếc ấm truyền thống của Nga trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Tula vào đầu tháng 11/2018.

Niềm vui đón trái ngọt hợp tác

Càng đi, tôi càng thấy các địa phương của Liên bang Nga có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế và mỗi vùng đều có những chính sách, biện pháp thu hút đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Tôi đặc biệt ấn tượng với các địa phương trong việc phát triển các mô hình “khu kinh tế đặc biệt” - gọi tắt là SEZ và các khu công nghiệp làm động lực thu hút đầu tư, phát triển vùng tại địa phương mình. Trên thực tế, mỗi địa phương đều cố gắng ban hành những ưu đãi bổ sung cho các nhà đầu tư, ngoài ưu đãi trong chính sách chung của Liên bang theo Luật Liên bang năm 2005 về các SEZ. Điểm chung nhất là nhà nước hay chính quyền địa phương làm chủ “cuộc chơi”, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông và chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, chứ không phải bị dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tư nhân. Phía bạn cho biết, các khu công nghệ mới và sản xuất công nghiệp là những khu có hiệu quả cao nhất, vượt xa các khu du lịch - giải trí và cầu cảng.

Tỉnh Kaluga có các đặc khu kinh tế Liudinovo và Borovsk, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây được miễn thuế nhập khẩu các mặt hàng từ nước ngoài, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt theo những mốc thời hạn quy định. Tỉnh Tula có Đặc khu kinh tế Uzlovaya và Khu công nghiệp Uzlovaya với nhiều ưu đãi, nơi cũng tập trung nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực may mặc, sản xuất thức ăn gia súc. Krasnodar có các khu công nghiệp Phía Đông, tại quận Pavlovsky, quận Abinsky và Thành phố Armavir. Tỉnh Ulianovsk có Đặc khu kinh tế Ulianovsk, đây là đặc khu duy nhất tại Nga có cả sân bay và đường sông, nơi có những ưu đãi hấp dẫn như miễn không thời hạn thuế giá trị gia tăng, thuế hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuế đất là 0% trong 10 năm. Các hướng phát triển ưu tiên tại đặc khu này là sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, sản xuất, thiết bị điện, điện tử vật liệu composite, trung tâm phân phối, bán buôn hàng hóa.

Thật vui khi những cố gắng kết nối của chúng tôi đã có những quả ngọt đầu tiên. Đó là Công ty Nafood của Nghệ An đã ký được hợp đồng xuất nhập khẩu nông sản sạch trị giá hàng trăm triệu USD với Công ty Voskhod của Nga; Công ty Krasnobor của tỉnh Tula đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xuất khẩu sản phẩm thịt gà tây hun khói sang thị trường Việt Nam; Tập đoàn Ami Group đang được kết nối với hệ thống chuỗi cửa hàng Bratia Karavaevy... Sắp tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thâm nhập vào thị trường gỗ và nông sản của LB Nga, còn các bạn Nga đang tìm mọi cách để người dân Nga có thể được thưởng thức nhiều hơn cà phê, trái cây và nông sản của Việt Nam. Đồng thời, từ những bước khởi đầu mạnh mẽ và gây tiếng vang lớn của Tập đoàn TH True Milk khi đã đón đàn bò cao sản, triển khai trang trại, nuôi bò sữa ở tỉnh Moscow và khởi công  xây dựng nhà máy chế biến sữa ở tỉnh Kaluga, nhiều địa phương khác cũng đang mong TH sẽ mở rộng, phát triển sang các vùng khác và trên thực tế đã dành quỹ đất khá dồi dào để chào đón Tập đoàn TH.

Một trong những yếu tố quyết định thành công trong chính sách phát triển vùng của Liên bang Nga là đội ngũ lãnh đạo các địa phương hiện nay. Tôi đã gặp nhiều người “tuổi trẻ tài cao” được Tổng thống Putin tin tưởng bổ nhiệm vào vị trí Thống đốc - người đứng đầu cơ quan hành pháp của tỉnh để điều hành, quản lý những vùng trọng điểm của đất nước và cả những Thống đốc đã dày dạn kinh nghiệm, thành công rực rỡ trong việc thay đổi diện mạo địa phương và tiếp tục nhận được sự ủng hộ cao của cử tri để tiếp tục thể  hiện năng lực của mình.

Phong cách làm việc của các Thống đốc cũng khá quyết liệt. Tôi còn nhớ, tại nhiều cuộc gặp, sau khi nghe đề xuất của Đại sứ, các vị đều có những kết luận cụ thể, có địa chỉ rõ ràng, giao ngay để  xử lý công việc. Không chỉ có Thống đốc S.I.Morozov của tỉnh Ulianovsk mà còn nhiều vị khác nữa đã công khai thông báo cho người dân số điện thoại di động của mình để người dân có thể trực tiếp liên hệ khi gặp những vấn đề cần giải quyết. Và còn rất nhiều lãnh đạo, quản lý, cả nam lẫn nữ, trẻ trung, năng động, giỏi ngoại ngữ ở các cơ quan địa phương hào hứng chia sẻ với Đại sứ về công việc của mình và đang sẵn sàng nỗ lực thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Những chuyến đi như tiếp thêm cho tôi sức mạnh tinh thần to lớn để tiếp tục cuộc hành trình đến với nước Nga, vì mong muốn vô cùng là gắn kết và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai đất nước Việt - Nga thêm bền chặt.

Mỗi địa phương của nước Nga đều có những điểm hấp dẫn riêng do sự phong phú, đa dạng về văn hóa, về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà còn là nơi sinh sống của hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam. Phần đông những người lập nghiệp ở nơi “đất khách quê người” có những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của mình khi đi du học hay hợp tác lao động tại nước bạn. Nhiều người đã thành công, lập công ty, cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho cả người Việt lẫn người Nga, hình thành các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, xưởng sản xuất. Một số người mạnh dạn và kiên trì, gắn bó với đồng ruộng Nga, làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch. Điều làm tôi vô cùng hạnh phúc, được khích lệ rất lớn là tấm lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, tiếng Việt cho các thế hệ con cháu của bà con mình và luôn hướng về đất nước, muốn làm giàu cho quê hương Việt Nam thân yêu và cho cả nước Nga, nơi đã gắn bó với họ như Tổ quốc thứ hai. Không ít người vẫn tần tảo thức khuya, dậy sớm cho kịp buổi chợ; làm những công việc đơn giản và dành dụm để giúp đỡ người thân ở nhà.

Đến các địa phương cũng là dịp thuận lợi để chúng tôi gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các hội, đoàn người Việt; lắng nghe ý kiến, đề xuất của bà con và nêu kiến nghị với chính quyền sở tại về những vấn đề rất cụ thể, tạo điều kiện cho bà con mình hội nhập, làm ăn, sinh sống. Và thật cảm động, các cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt cũng là cơ hội để cả người Nga và người Việt cùng thưởng thức ẩm thực, giao lưu với nhau trong các làn điệu dân ca. Ở khắp mọi nơi, các bạn bè Nga đã coi người Việt như một phần của đời sống sở tại và bày tỏ sự hài lòng khi nói về những chuyến du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam, nơi họ cảm thấy an toàn, thư giãn tại những bãi biển tuyệt vời và được thoải mái nói tiếng Nga với nhiều người Việt.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, những chuyến đi như tiếp thêm cho tôi sức mạnh tinh thần to lớn để  tiếp tục cuộc hành trình đến với nước Nga, với các địa phương của Nga vì mong muốn vô cùng là gắn kết và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai đất nước Việt - Nga thêm bền chặt.

Hợp tác đầu tư Việt - Nga: Khi dòng vốn chảy ngược
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam dốc vốn đầu tư sang Liên bang Nga, nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường. Hiện vốn đầu tư của Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư