Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 04 năm 2025,
Giới phân tích chỉ ra 2 ưu tiên của Trung Quốc khi ứng phó với thuế quan Mỹ
Đông Phong - 04/04/2025 16:03
 
Phản ứng của Trung Quốc đối với mức thuế mới của Mỹ có thể sẽ tập trung vào kích thích kinh tế trong nước và tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại khác, theo các nhà phân tích thương mại quốc tế.

Trả đũa sẽ không phải trọng tâm ứng phó

Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 34% đối với Trung Quốc vào ngày 2/4, Bộ Thương mại Trung Quốc đã kêu gọi Washington hủy bỏ mức thuế này, đồng thời tuyên bố sẽ có các biện pháp ứng phó.

Trước đó, Tổng thống Trump đã tăng gấp đôi thuế quan bổ sung lên 20% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, sau khi trở lại nắm quyền Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2025.

Như vậy, Mỹ áp thuế quan tổng cộng 54% lên các lô hàng từ Trung Quốc, một trong những mức thuế cao nhất mà chính quyền Tổng thống Trump từng áp dụng. Mức thuế thực tế đối với từng dòng sản phẩm có thể khác nhau.

Hoạt động xếp dỡ container tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Hoạt động xếp dỡ container tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ông Bruce Pang, phó giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Trung Quốc Hồng Kông (CUHK), cho biết: "Tôi nghĩ rằng trọng tâm phản ứng của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ không phải là thuế trả đũa hay các biện pháp tương tự".

Thay vào đó, ông Pang cho rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế của chính mình bằng cách đa dạng hóa các điểm đến và sản phẩm xuất khẩu, cũng như tăng gấp đôi ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã tăng cường các nỗ lực kích thích kinh tế kể từ tháng 9 năm ngoái, bằng cách mở rộng thâm hụt tài khóa, thúc đẩy chương trình trợ cấp đổi hàng tiêu dùng và kêu gọi chấm dứt tình trạng suy thoái bất động sản.

Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc họp hiếm hoi vào tháng 2 với các doanh nhân công nghệ, bao gồm cả nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, một động thái được cho là thể hiện sự ủng hộ đối với khu vực tư nhân.

Việc đảo ngược chính sách - từ việc thắt chặt quy định trong những năm gần đây - phản ánh cách mà Bắc Kinh đã "dự liệu suy thoái sắp tới hoặc thậm chí là sụp giảm trong xuất khẩu", ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết.

Ông Hu cho rằng: "Bắc Kinh sẽ sử dụng các biện pháp kích thích trong nước để bù đắp tác động của thuế quan, để họ vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 'khoảng 5%'".

Thay vì áp thuế trả đũa, ông Hu dự đoán Bắc Kinh sẽ vẫn tập trung vào việc bổ sung các thực thể vào danh sách đen, kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng và điều tra các công ty nước ngoài tại Trung Quốc.

Nhà phân tích của Macquarie cũng cho rằng Trung Quốc sẽ giữ đồng nhân dân tệ mạnh so với đồng đô la Mỹ và bỏ qua lời kêu gọi hạ giá đồng tiền này như một cách để gây áp lực lạm phát lên Mỹ.

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc vào đầu tháng 3 đã tuyên bố rằng họ sẽ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm nay, một nhiệm vụ mà họ nhấn mạnh sẽ đặt ra "công việc rất khó khăn" để đạt được. Bộ Tài chính Trung Quốc cũng ám chỉ rằng họ có thể tăng hỗ trợ tài chính nếu cần.

Theo Goldman Sachs, khoảng 20%​nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu. Trước đó, họ ước tính rằng nếu Mỹ áp mức thuế quan mới là 60% lên Trung Quốc, tăng trưởng thực tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khoảng 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Goldman Sachs hiện vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc là 4,5%.

Thương mại sẽ chuyển hướng

Điểm khác biệt so với tác động của thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump là Trung Quốc không phải là mục tiêu duy nhất, mà là một trong nhiều quốc gia bị Mỹ áp mức thuế đối ứng cao.

Ghi nhận tại trung tâm xuất khẩu Nghĩa Ô của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vào ngày 3/4, một ngày sau khi Mỹ tuyên bố thuế đối ứng cao kỷ lục đối với các đối tác thương mại, các doanh nghiệp ở đây dường như thờ ơ về tác động của các mức thuế quan mới. Có lẽ họ đã nhận ra rằng các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài sẽ không giành được lợi thế tốt hơn họ, theo ông Cameron Johnson, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn Tidalwave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải.

Ông Johnson cho biết, trước đây Mỹ tập trung các biện pháp thương mại nhằm buộc các công ty đa dạng chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc. Và đến nay, nhiều nhà sản xuất đã mở rộng mạng lưới cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc.

Hơn nữa, kể từ khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào đầu năm 2021, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác thương mại với Đông Nam Á và khu vực này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh, tiếp theo là Liên minh châu Âu và Mỹ, theo đài CNBC.

Các quốc gia ASEAN đã cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand thành lập khối thương mại tự do lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) -​ ra đời vào đầu năm 2022.

"Các nước thành viên RCEP sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại với nhau", bà Yue Su, nhà kinh tế trưởng tại Economist Intelligence Unit, nhận định sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng dành cho hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Điều này cũng một phần là nhờ nền kinh tế Trung Quốc có khả năng vẫn là nền kinh tế ổn định nhất - hoặc ít nhất là trong số các nền kinh tế ổn định nhất xét về mặt tương đối, xét đến cam kết mạnh mẽ của chính phủ đối với các mục tiêu tăng trưởng và sự sẵn sàng triển khai các biện pháp chính sách tài khóa khi cần thiết", bà Su cho hay.

Đến thời điểm này, sự chắc chắn trong áp thuế đối ứng của Mỹ vẫn chưa được khẳng định bởi vẫn còn vài ngày trước khi các mức thuế đối ứng chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4. Như vậy, các nước vẫn có cơ hội đàm phán với Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Trump khẳng định vào cuối ngày 3/4 rằng ông sẵn sàng đàm phán với các quốc gia về vấn đề thuế quan, nếu họ đưa ra "một điều gì đó phi thường".

Tuần trước, ông Trump cho biết Mỹ có thể xem xét hạ thuế đối với Trung Quốc, nhằm tạo thuận lợi cho "ông lớn” công nghệ Trung Quốc ByteDance bán lại mảng hoạt động TikTok tại Mỹ.

Giới phân tích tỏ ra bất ngờ đối với cách tính và quy mô thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump, bởi trước đó ông chủ Nhà Trắng đã khẳng định mức thuế sẽ "nhẹ nhàng" và "linh hoạt".

Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, hôm 3/4 cho biết: "Không giống như một số dự báo lạc quan của thị trường, chúng tôi không kỳ vọng về một thỏa thuận song phương lớn giữa Mỹ và Trung Quốc".

"Chúng tôi dự đoán căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn này sẽ xấu đi đáng kể, đặc biệt là khi Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và robot", nhà kinh tế của Nomura nói thêm.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng thực hiện thỏa thuận về thuế quan
Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng thực hiện thỏa thuận với các quốc gia muốn tránh thuế quan của Washington, nhưng các thỏa thuận đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư