Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
GIZ và KfW phối hợp triển khai dự án đào tạo nghề tại Việt Nam
Hồng Sơn - 05/10/2016 14:36
 
Cuối tuần qua, Trường cao đẳng Nghề Lilama 2 là trường nghề đầu tiên tại Việt Nam được nhận “Thư công nhận” về tính tương đương của hai bộ tiêu chuẩn nghề theo tiêu chuẩn Đức với hai ngành đào tạo là kỹ thuật viên cơ khí xây dựng và kỹ thuật viên điện tử công nghiệp.

Theo ông Tilo Jaensch, Giám đốc điều hành đào tạo nghề của Phòng Thương mại Potsdam (Đức), hai bộ tiêu chuẩn nghề này được xây dựng dựa trên nhu cầu của 20 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và góp ý của các hiệp hội nghề nghiệp. Tiêu chuẩn Đức được áp dụng như chuẩn quốc tế và đã được điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động Việt Nam.

.
Trường cao đẳng nghề Lilama 2 đã nhận được  “Thư công nhận” về tính tương đương của hai bộ tiêu chuẩn nghề theo tiêu chuẩn Đức là kỹ thuật viên cơ khí xây dựng và kỹ thuật viên điện tử công nghiệp

“Dựa trên các bộ tiêu chuẩn nghề này, một chương trình đào tạo phối hợp trong thời gian 3 năm cho từng nghề đã được các bên liên quan đồng biên soạn”, ông Tilo Jaensch nói và cho biết, theo hình thức đào tạo phối hợp, phần thực hành nghề sẽ được đào tạo chủ yếu tại các xưởng lắp ráp, chế tạo và dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương pháp đào tạo tại nơi làm việc; phần kiến thức lý thuyết được đào tạo tại trường Lilama 2. Đồng thời, với “chức năng kép” của mình, Trường cũng triển khai đào tạo một phần kỹ năng thực hành nghề tại các xưởng thực hành hiện đại được trang bị máy móc, thiết bị với công nghệ tiên tiến nhất.

TS. Lê Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 cho biết, đội ngũ giáo viên của Trường được các chuyên gia Đức thường xuyên đào tạo nâng cao về chuyên môn và phương pháp giảng dạy định hướng thực hành. Đây là quá trình chuyển giao năng lực cho đội ngũ giáo viên của nhà trường nhằm sử dụng hiệu quả máy móc, trang thiết bị trong quá trình đào tạo định hướng thực hành.

Hoạt động nêu trên nằm trong Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam do Chính phủ Đức hỗ trợ, được thực hiện bởi Tổ chức GIZ (hợp tác kỹ thuật) và KfW (hợp tác tài chính) và phối hợp với các ngành chức năng của Việt Nam.

Ông Peter Wunsch, cố vấn cấp cao của GIZ tại Việt Nam cho biết, chương trình này gồm các lĩnh vực hoạt động có quan hệ chặt chẽ và ở các cấp độ khác nhau. Đó là, tư vấn chính sách và đổi mới hệ thống đào tạo nghề; hỗ trợ các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao; đào tạo kỹ thuật viên cho ngành xử lý nước thải. Trước đó, từ cuối năm 2014, để thực hiện chương trình này, GIZ đã triển khai các hoạt động tại Lilama 2 bằng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc, thiết bị, đào tạo giáo viên… Tổng giá trị đầu tư của chương trình cho Lilama 2 lên tới hàng chục triệu euro và dự kiến giai đoạn I sẽ kéo dài tới cuối năm 2018.

Nhận xét về chương trình đào tạo ngành kỹ thuật viên cơ khí xây dựng, đại diện Công ty T.A.T Đồng Nai cho rằng, số lượng, thời lượng và yêu cầu các môn học trong chương trình phù hợp với tình hình đầu tư thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại diện Công ty Dịch vụ kỹ thuật điện lực dầu khí đề xuất, chương trình cần định hướng sâu hơn cho các em về các thiết bị điều khiển, đo lường và bổ sung thực hành mạch điện tử…

Dự kiến trong tháng 11 tới, hai ngành kỹ thuật viên cắt gọt kim loại và kỹ thuật viên cơ điện tử được đào tạo tại Lilama 2 sẽ tiếp tục được nhận “Thư công nhận” về tính tương đương của hai bộ tiêu chuẩn nghề theo tiêu chuẩn Đức. Theo ông hiền, Trường Lilama 2 được lựa chọn phát triển trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao và từ những kết quả đạt được tại đây sẽ được nhân rộng cho các trường đào tạo nghề trong cả nước.

Đầu tư từ Đức chảy mạnh vào Việt Nam
Theo một số nguồn tin, vào tháng tới, Tập đoàn Marquardt (Đức) sẽ đến Đà Nẵng để thảo luận với lãnh đạo thành phố này về dự án sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư