Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gỡ khó cho các ngành để đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm
Thế Hải - 13/07/2016 13:31
 
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, định hướng giải pháp 6 tháng cuối năm của Bộ Công thương ngày 12/7.

Kim ngạch xuất khẩu trị giá 82,24 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng 5,9%  trong nửa đầu 2016 được cho là sự nỗ lực lớn của các ngành hàng, tuy nhiên, mức tăng này giảm mạnh so với mức 9,2% của cùng kỳ 2015.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn manh, đây là mức tăng thấp, kể cả xem xét tương quan với mức tăng GDP của năm nay, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% của năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công thương tập hợp kiến nghị của các ngành để gỡ khó cho DN xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2016
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công thương tập hợp kiến nghị của các ngành để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2016

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu “rơi” thấp nhất với 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sở dĩ nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là do giá dầu thô giảm mạnh cả về lượng và giá xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm 867 triệu USD do giá xuất khẩu giảm, hụt 184 triệu USD do lượng xuất khẩu giảm.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn  Vũ Trường Sơn cho hay, dầu khí là ngành có mức ảnh hưởng bởi giá giảm sâu nhất.   6 tháng qua, giá dầu trên thế giới giảm có thời điểm còn 27 USD/thùng, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò dầu khí bị ảnh hưởng trực tiếp, tác động tiêu cực đến các đơn vị dich vụ dầu khí.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, định hướng giải pháp 6 tháng cuối năm của Bộ Công thương chiều 12/7/2016,  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng xuất khẩu 5,9% có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp ngành công thương. Đặc biệt, nhìn trong bối cảnh thiên tai hạn hán nghiêm trọng, tàn phá nhiều tỉnh tại miền Trung, Tây nguyên. Tại miền Bắc, trong những tháng đầu năm, trâu bò chết do nhiệt độ xuống thấp, thì con số 82,24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng qua là một nỗ lực lớn.

“Tôi đề nghị Bộ Công thương tập hợp kiến nghị của các ngành thủy sản, dệt may, dầu khí… để kịp thời có những tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh đêr hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 17,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là EU đạt 16,3 tỷ USD, tăng 9,8%; Trung Quốc đạt 9,2 tỷ USD, tăng 14,3%; Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 39%.

Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, giảm 12,6%; Nhật Bản đạt 6,6 tỷ USD, giảm 1,3%.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng thấp do nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa hồi phục khiến sản xuất tăng chậm, cộng với mức tăng thấp của thị trường tiêu thụ thế giới.

Tiêu thụ của ngành cơ khí trong 6 tháng 2016 sụt giảm mạnh do tác động bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp FDI không cản được xuất khẩu giảm tốc
Nỗi lo không đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay (10%) càng ngày càng lớn, khi sau 6 tháng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ dừng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư