Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gỡ khó cho nhà đầu tư KĐT mới Thủ Thiêm
Hồng Sơn - 09/05/2013 11:06
 
Đó là nội dung chính của Hội nghị xúc tiến đầu tư khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm vừa được tổ chức tại TP.HCM, thu hút gần 200 đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự.
TIN LIÊN QUAN
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý KĐT mới Thủ Thiêm

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý (BQL) KĐT mới Thủ Thiêm cho biết, đến nay, việc giải phóng mặt bằng ở Thủ Thiêm đã gần hoàn thành và quy hoạch 1/2.000 cũng đã được phê duyệt.

Hiện có khoảng gần 20 dự án đã và đang triển khai thực hiện tại KĐT mới Thủ Thiêm.

“Hội nghị xúc tiến đầu tư này là cơ hội tốt để giới thiệu quy hoạch, tiềm năng phát triển và các cơ hội đầu tư vào KĐT mới Thủ Thiêm, đồng thời cũng là dịp để chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, giải đáp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang triển khai các dự án và tìm hiểu, có kế hoạch đầu tư”, ông Tuấn nói.

Đại diện Tổng công ty Vinaconex, đơn vị được giao thi công cầu Thủ Thiêm 2 (dự kiến sẽ khởi công vào tháng 5/2014), là trục kết nối vào lõi KĐT, băn khoăn về cam kết của nhà đầu tư hạ tầng về tiến độ bàn giao mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công.

Ông Võ Sỹ Nhân, Phó tổng giám đốc Công ty Tiến Phước đề nghị công khai tiến độ giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp chủ động.

“Chúng tôi hiểu và rất thông cảm cho những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng BQL KĐT mới Thủ Thiêm cần có thông tin công khai về công tác này, cũng như cam kết về thời gian hoàn thành để nhà đầu tư chủ động triển khai công việc”, ông Võ Sỹ Nhân, Phó tổng giám đốc Công ty Tiến Phước - một doanh nghiệp đang có dự án đầu tư hạ tầng tại KĐT mới Thủ Thiêm đề nghị…

Về vấn đề nhà đầu tư nêu, ông Tuấn cho biết, hện công tác GPMB ở KĐT mới Thủ Thiêm đã đạt hơn 90%, số diện tích còn lại (khoảng 15 ha), BQL cam kết sẽ hoàn thành sớm.

BQL cũng đang tích cực phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng để đôn đốc việc dọn dẹp, sớm có mặt bằng “sạch” , trước mắt sẽ phấn đấu có mặt bằng để đơn vị thi công các tuyến đường chính của KĐT có thể khởi công trong tháng tới (tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng).

Ông Vũ Thế Hoàng, Phó giám đốc kiêm Trưởng văn phòng đại diện của Công ty NM (Ucraina) tại Việt Nam

Trong nhóm các nhà đầu tư đang quan tâm tìm hiểu các thông tin có liên quan, ông Vũ Thế Hoàng, Phó giám đốc kiêm trưởng văn phòng đại diện của Công ty NM (Ucraina) tại Việt Nam quan tâm tới điều kiện, thủ tục hồ sơ, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư…khi quyết định đầu tư vào KĐT mới Thủ Thiêm.

“Theo mục tiêu của dự án thì KĐT mới Thủ Thiêm sẽ là dự án mang tầm quốc gia và quốc tế, vì vậy, Chính phủ nên đưa vào Chương trình xúc tiến đầu tư của quốc gia để mời gọi thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ”, ông Hoàng đề nghị.

Còn đại diện của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM quan tâm về số dự án FDI đã đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư vào KĐT mới Thủ Thiêm, các hình thức đầu tư được khuyến khích…

Đại diện một số nhà đầu tư khác cũng gửi câu hỏi tới ban tổ chức hội nghị về các vấn đề, như: cam kết của chủ đầu tư về tiến độ các công trình hạ tầng, công trình trọng điểm tại KĐT mới, giá thuê đất tại KĐT mới, đầu mối hướng dẫn các thủ tục, tiếp nhận, giải quyết các khó khăn của nhà đầu tư trong các bước thực hiện đầu tư v.v…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

“Vì sao việc thu hút các dự án đầu tư lại chưa được như kỳ vọng, dù rằng mục tiêu của Dự án là xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm thành một trung tâm đô thị văn minh, hiện đại, trung tâm tài chính – dịch vụ - thương mại – cao cấp của TP và ngang tầm với các KĐT hiện đại của các nước trong khu vực, của châu lục”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM nêu vấn đề.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Châu đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính: Hệ thống giao thông trục chính của KĐT chưa hoàn chỉnh; giá đất mời gọi đầu tư mà TP đưa ra chưa thật sự hợp lý; kết nối hạ tầng giữa khu trung tâm của TP, các KĐT cũ với KĐT mới Thủ Thiêm chưa có hoặc có nhưng chưa đi qua trục chính của KĐT; thủ tục hành chính còn những phiền phức, gây khó khăn cho nhà đầu tư…

Từ đó, ông Châu đề xuất việc cần điều chỉnh về giá thuê đất cho phù hợp; cần có cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trục chính theo cách Phú Mý Hưng đã thực hiện; đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng giao cho BQL KĐT mới Thủ Thiêm làm “một cửa liên thông” giải quyết các thủ tục, các bước thực hiện dự án đầu tư theo quy định hiện hành…

Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm

“BQL là cơ quan thay mặt TP làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, quản lý KĐT mới Thủ Thiêm chứ không phải là doanh nghiệp kinh doanh ”, ông Tuấn lưu ý. Do đó, giá thuê đất có tính tới yếu tố phù hợp với thị trường nhưng phải theo quy định của TP và của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư và người dân và như vậy không thể so sánh với các mô hình khác như KĐT Phú Mỹ Hưng. Về số dự án FDI hiện đã được chấp thuận đầu tư là 4 dự án của các nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông…

Các hình thức đầu tư đang và sẽ được ưu tiên kêu gọi đầu tư là BT, BOT. Riêng hình thức BBT (hiện còn khá mới tại Việt Nam) cũng đang được BQL đầu tư – xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm báo cáo với TP để xin chủ trương cho phép được áp dụng, kêu gọi các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Nhà đầu tư xem mô hình dự án

Một số vấn đề khác như, trình tự thủ tục lập dự án đầu tư; các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, điều chỉnh giá thuê đất theo một số mô hình KĐT đang được áp dụng trong và ngoài nước… đại diện BQL KĐT mới Thủ Thiêm đề nghị các nhà đầu tư gặp trực tiếp đại diện của BQL, cũng như thiết lập các buổi làm việc theo chuyên đề…

Tuy nhiên một số vấn đề được quan tâm về các dự án đã có chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư như Dự án Bênh viện tiêu chuẩn quốc tế do Vietinbank làm chủ đầu tư, Dự án Công viên trí thức do Công ty cổ phần phát triển nguồn lực Việt – Nhật làm chủ đầu tư hay Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm đã có chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư nhưng sau đó chủ đầu tư không có khả năng thực hiện nay lại được chuyển sang các dự án mới kêu gọi đầu tư…nhưng đại diện BQL chưa có câu trả lời tại hội nghị này.

Mô hình dự án Thủ Thiêm

Một số dự án mới được kêu gọi đầu tư vào KĐT mới Thủ Thiêm:

* Trung tâm Thương mại tài chính ngân hàng Quốc tế (một phần khu lõi trung tâm): diện tích đất phát triển dự án khoảng 14,8 ha; 100% vốn của nhà đầu tư.

* Dự án Khu dân cư phía Bắc: diện tích khoảng 84 ha; 100% vốn của nhà đầu tư.

* Dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm: diện tích khoảng 15,9 ha; 100% vốn của nhà đầu tư.

* Dự án Khu trung tâm thể thao giải trí đa năng: diện tích khoảng 39 ha; 100% vốn của nhà đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư