Chủ Nhật, Ngày 25 tháng 05 năm 2025,
Gỡ pháp lý, đẩy vốn xanh cho kinh tế tư nhân
Hà Tâm - 25/05/2025 09:56
 
Chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn thực hiện các dự án xanh đã có, song cả ngân hàng và doanh nghiệp đang gặp khó bởi tiêu chí chưa rõ ràng. Đây là lý do tín dụng xanh mới chiếm 4,3% tổng quy mô tín dụng toàn hệ thống.
Agribank là một trong những ngân hàng tích cực cho vay xanh nhất hệ thống. Ảnh: Đức Thanh

Quy mô tín dụng xanh còn khiêm tốn

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, 5 năm gần đây, tín dụng xanh tăng trưởng bình quân 21%/năm. Tính đến tháng 3/2025, có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ xanh (năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng). 57 tổ chức tín dụng đã thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, với dư nợ 3,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 2017. Nhiều tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo phát triển bền vững.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống, song mới chỉ chiếm 4,3% tổng dư nợ, cho thấy quy mô tín dụng xanh còn khiêm tốn. Trong đó, Agribank là một trong những ngân hàng tích cực cho vay xanh nhất hệ thống.

Ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Quý I/2025, Ngân hàng dẫn đầu hệ thống về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh, với hơn 41.600 khách hàng và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tín dụng xanh của Agribank cũng chỉ mới chiếm 1,7% tổng dư nợ. 

Tại BIDV, tỷ trọng tín dụng xanh cũng rất khiêm tốn. Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, dù rất mong muốn đẩy mạnh, song bản thân các ngân hàng đang gặp khó khăn khi muốn cho vay xanh. Cụ thể, hiện chưa có quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể đối với việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Các dự án môi trường thường có thời gian hoàn vốn dài, cần đầu tư lớn cũng là một thách thức. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin quản lý và các công cụ hỗ trợ kiểm soát, giám sát danh mục xanh và bộ tiêu chuẩn môi trường - xã hội và quản trị (ESG) còn hạn chế do khung pháp lý chưa hoàn thiện…

Tín dụng xanh chuẩn bị bứt tốc

Không chỉ ngân hàng khó cho vay xanh, mà doanh nghiệp cũng rất chật vật khi muốn tiếp cận vốn xanh. Nhiều doanh nghiệp cho biết, để dễ tiếp cận vốn xanh, doanh nghiệp phải áp dụng chuẩn mực, thực hành báo cáo phát triển bền vững để minh bạch thông tin về tác động ESG. Tuy nhiên, quá trình tuân thủ đòi hỏi gánh nặng rất lớn về thời gian, thủ tục, khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ qua.

Cần sự phối hợp đồng bộ.

- Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Việc triển khai Kế hoạch hành động về tín dụng xanh của ngành ngân hàng còn gặp không ít khó khăn, việc triển khai chưa đồng đều, nhiều tổ chức tín dụng chưa phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Kết quả tín dụng xanh chưa cao dù còn nhiều dư địa phát triển. Nguyên nhân là thiếu khung pháp lý về danh mục xanh, công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn của Dự án đầu tư xanh dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính xanh quốc tế còn hạn chế…

Để giải quyết những khó khăn trên, không chỉ cần sự nỗ lực của ngành ngân hàng, mà cần phối hợp đồng bộ các cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức quốc tế.

Khó khăn trên của các doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ nhờ sự hỗ trợ của AI. TS. Lê Hùng Cường, Phó tổng giám đốc FPT Digital (Tập đoàn FPT) cho biết, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) hiện sử dụng AI để chấm điểm báo cáo ESG của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Điều này không chỉ giúp giảm đáng kể thời gian xét duyệt khoản vay và tăng khả năng tiếp cận vốn xanh cho các SME, mà các ngân hàng cũng có thể tuân thủ các yêu cầu về báo cáo ESG hiệu quả hơn. 

Bà Ngô Thúy Phượng, Phó trưởng ban Ban Chiến lược (Vietcombank) cho biết, ngân hàng này đang có định hướng ứng dụng AI trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về việc đáp ứng các chuẩn mực.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là gỡ khó về pháp lý. Theo đại diện BIDV, để thúc đẩy tín dụng xanh, Chính phủ và các bộ, ngành phải có quy định cụ thể về phân loại xanh, xác nhận dự án xanh quốc gia và quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, cần ban hành chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, phân loại xanh là yếu tố then chốt để định hướng các dòng vốn hướng tới tăng trưởng xanh và giúp Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh toàn cầu.   

Trong khi chờ đợi các bộ, ngành đưa ra quy định cụ thể về tiêu chí xanh, phân loại xanh, điểm tích cực là NHNN vừa ra mắt Sổ tay “Hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đây là một sản phẩm hợp tác giữa NHNN và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), được xây dựng theo các thông lệ quốc tế, nhằm hỗ trợ  tổ chức tín dụng áp dụng tiêu chuẩn ESG trong hoạt động tín dụng, thúc đẩy mục tiêu tài chính bền vững. 

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc ra mắt sổ tay trên là rất thiết thực, “cầm tay chỉ việc” cho các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng quy trình cụ thể và phù hợp theo tính chất của từng ngân hàng và khoản vay. Đây là tài liệu tham khảo có tính thực tiễn cao, giúp các  tổ chức tín dụng  tăng cường quản lý rủi ro theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư