Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gỡ vướng thể chế thúc đẩy hợp tác xã phát triển bền vững
Quang Hưng - 31/10/2021 11:47
 
Để tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần có các cơ chế thúc đẩy, tạo sự chủ động, đặc biệt là trong tiếp cận tài chính.

Ngày 30/10, tại huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế Hoạch đầu tư) và Văn phòng IFAD tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Đề xuất các giải pháp sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị".

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là đường lối chiến lược nhất quán trong mọi giai đoạn cách mạng của Đảng và Nhà nước. Thể chế hóa các quan điểm, đường lối phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của Đảng, hệ thống quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về hợp tác xã cũng dần được hoàn thiện. Quốc hội đã ban hành Luật hợp tác xã năm 1996, 2003, 2012, cùng các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, thông tư của các bộ đã tạo khung pháp lý cơ bản nhằm hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Quang Hưng)

Cơ chế hỗ trợ cần đi kèm các điều kiện phát triển bền vững

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương nhận định, thời gian qua, công tác phát triển hợp tác xã đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các hợp tác xã không chỉ liên kết mà đã chủ động tạo lập thị trường, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử…

Tuy nhiên, theo ông Tiến, để hợp tác xã phát triển, cần phải có một môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa. “Chúng ta phải có cơ chế hỗ trợ theo hướng thúc đẩy, tạo sự chủ động đi kèm với các điều kiện phát triển bền vững, chứ không phải hỗ trợ theo hướng cho không”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, nông nghiệp hiện nay là bệ đỡ cho kinh tế của địa phương. “Miến rong Bắc Kạn đã vươn sang thị trường châu Âu, các vùng nguyên liệu như gừng, mơ, củ cải đã được chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản…”, bà Hoa dẫn chứng và khẳng định, phát triển hợp tác xã là nhu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá Luật Hợp tác xã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cho lĩnh vực này, song bà Hoa cũng kỳ vọng, các bộ, ngành sẽ tiếp thu một cách đầy đủ hơn từ góc nhìn, thực tiến tại địa phương để tham mưu làm sao có được một Luật Hợp tác xã cũng như các văn bản hướng dẫn phù hợp nhất, tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển.

Hệ thống lại các chính sách hỗ trợ hợp tác xã hiện hành, ông Lưu Ngọc Lương, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ KH&ĐT) cho biết, các chính sách hỗ trợ hợp tác xã đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng chính sách đối với hợp tác xã, ông Lương cho rằng, cần tập trung vào 4 giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, củng cố bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thứ tư, huy động, ưu tiên các nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ.

Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Quang Hưng)

Hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận, huy động tài chính

Nhấn mạnh vai trò xã hội và kinh tế của các hợp tác xã, ông Francisco Pichon, Giám đốc Quốc gia, Văn phòng IFAD tại Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh luật cần phải kiến tạo được môi trường phù hợp, thúc đẩy các hợp tác xã có thể tăng cường năng lực phát triển thị trường, cạnh tranh được với các doanh nghiệp.

Theo ông Francisco Pichon, việc điều chỉnh luật này phải đảm bảo rằng, khi các hỗ trợ của Chính phủ kết thúc, các hợp tác xã có thể tiếp cận với các nguồn lực tài chính và việc này là vô cùng quan trọng, đảm bảo tính bền vững của hợp tác xã.

Đồng tình, ông Bùi Quang Nguyên - thành viên nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (AMI) đề xuất một số giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác xã, bao gồm cho vay hợp tác xã theo chuỗi giá trị, hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực quản lý tài chính để xây dựng hồ sơ vay vốn, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã…

Ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ KH&ĐT) cho biết, cơ quan này đang được giao “chắp bút” 2 văn bản quan trọng là báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Do đó, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật hợp tác xã 2012 được nêu ra tại hội thảo và cùng thảo luận, nghiên cứu, đóng góp là cơ sở để đề xuất sửa đổi sao cho có được một luật hợp tác xã mới phù hợp nhất, ông Phùng Quốc Chí cho hay.

[Infographic] Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư