Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 17 - 21/7: VN-Index có thể “rung lắc”, nhà đầu tư cân nhắc chốt lời
Trương Thạch - 16/07/2023 14:35
 
Tới giai đoạn cao điểm công bố KQKD Q2, thị trường dự kiến sẽ “rung lắc” mạnh. Nhà đầu tư “cầm hàng” nên bảo vệ thành quả, NĐT “cầm tiền” chưa nên vội giải ngân.

NĐT cá nhân “thị uy” sức mạnh, VN-Index giữ vững đà tăng

VN-Index tiếp tục chứng kiến một phiên “bung nóc” với 30,33 điểm tăng sau 5 phiên giao dịch. Phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/7 chứng kiến một màn “tàu lượn” ngoạn mục khi có thời điểm thị trường chỉnh về mốc 1.155 điểm. Tuy nhiên lực cầu rất lớn đã kéo VN-Index quay trở lại đà tăng và đóng cửa tuần ở mốc “ nhất nhất lộc phát” - 1.168 điểm. Đóng góp vào sức tăng của VN-Index, dẫn dắt là các ngành bán lẻ, dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng.

Màn “tàu lượn” của VN-Index bắt đầu từ phiên chiều ngày 14/5, trước lực bán tháo chớp nhoáng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà nổi bật là STB. Tuy nhiên dòng tiền bắt đáy một lần nữa phát huy sức mạnh, đẩy thanh khoản sàn HoSE lên mức cao nhất 4 tuần.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Tổng kết lại sau một tuần giao dịch sôi động, tính riêng VN-Index đã có hơn 3,9 tỷ cổ phiếu sang tay theo hình thức khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch lên đến hơn 82,7 nghìn tỷ Đồng (tăng 19,6% so với tuần trước). Trong đó cổ phiếu STB đã có một ngày giao dịch thanh khoản kỷ lục khi đã có 74,86 triệu được sang tay theo hình thức khớp lệnh tương đương giá trị 2.149,3 tỷ đồng trong ngày 14/7.

Trong bối cảnh dòng tiền cá nhân, nhỏ lẻ làm chủ cuộc chơi thì khối ngoại tiếp tục có tuần “xả hàng” với hơn 1 nghìn tỷ Đồng bán ròng, tập trung vào các cổ phiếu STB, VRE, DGC, PVD và VNM.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Khu vực tự doanh có một tuần mua ròng với giá trị hơn 262 tỷ đồng, tập trung vào nhóm các cổ phiếu FPT, STB, MWG,GEX và VPB.

Nguồn: FiinPro
Nguồn: FiinPro

Thực hư chuyện một hãng hàng không xin “bảo hộ phá sản”

Tuần qua, có nhiều thông tin về việc một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến một lực bán tháo chớp nhoáng nhóm các cổ phiếu được ngân hàng liên quan tới các khoản vay của hãng hàng không được nhắc tên.

Dưới góc nhìn pháp luật, Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap nhận định, hiện nay theo quy định của Luật phá sản 2014, không có khái niệm nào là “bảo hộ phá sản” như một số trang tin hay các “room” tin đồn đang đề cập. Việc một doanh nghiệp nộp đơn và liên quan đến vấn đề phá sản (nếu có) thì hiện nay chỉ có thể đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản. 

Theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 thì những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản có thể là chủ nợ khi khoản nợ quá hạn thanh toán 03 tháng, người lao động, công đoàn, đại diện pháp luật của doanh nghiệp…

Và cũng theo quy định của Luật này, việc một doanh nghiệp bị tuyên là phá sản phải trải qua nhiều bước, trong đó có một thủ tục quan trọng là phải tổ chức hội nghị chủ nợ và các bên liên quan sẽ xem xét phương án phục hồi kinh doanh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì các khâu “tái thiết” sẽ được tiến hành. Nếu mọi chuyện tích cực thì doanh nghiệp sẽ có “cửa sống”. 

Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap nhận định, việc một doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu phá sản đến trạng thái bị tuyên phá sản đòi hỏi một quá trình nhiều bước, cần thời gian rất dài. Các bên liên quan thông thường sẽ ưu tiên xây dựng phương án tái thiết doanh nghiệp, cho đến khi “hết cứu” thì doanh nghiệp đó mới chính thức bị tuyên phá sản. 

Hơn nữa, theo quy định tại Điểm p Khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC thì ngay sau khi Tòa án thụ lý hồ sơ yêu cầu phá sản thì lập tức doanh nghiệp đại chúng phải tiến hành công bố thông tin trong vòng 24 giờ, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu phá sản là tổ chức có liên quan tới công ty đại chúng. Chính vì vậy, các nhà đầu tư khi tiếp nhận những tin đồn chưa kiểm chứng nên xác thực lại bằng cách đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, để xem tin đồn đó có căn cứ pháp lý hay không, tránh hiện tượng “tâm lý đám đông”, hành động mua/bán trong trạng thái để cảm xúc lấn át lý trí như phiên giao dịch chiều 14/7.

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng

Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (SBV) công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. So với kế hoạch 14-15% từ đầu năm, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống còn 14% cho thấy sự thận trọng của của SBV cho kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2023. 

Tính từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt mức 4,73%. Đây là mức tăng trưởng rất khiêm tốn so với kế hoạch của SBV cũng như so với những năm trước. Để đạt được kế hoạch 14% do SBV đặt ra, hệ thống các tổ chức tín dụng phải rất nỗ lực trong 06 tháng còn lại của năm 2023. Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực sản xuất, chế biến chế tạo do đang “đói” đơn hàng mới từ các thị trường lớn như Mỹ và EU. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu “phá băng” thì việc tăng trưởng tín dụng 14% theo Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap là cực kỳ thách thức. Tuy nhiên nếu toàn nền kinh tế đạt được con số mục tiêu này, chứng tỏ sức chồng chọi của nền kinh tế Việt Nam đã lên một cấp độ mới, chúng ta sẽ có niềm tin là Việt Nam sẽ bước sang 2024 với một vị thế, tâm thế là hướng đến những cột mốc tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, vàng bật tăng trở lại

Nhìn ra thế giới, tuần qua hai nền kinh tế thế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã công bố CPI tháng 6. Theo đó, CPI ở Mỹ đã hạ nhiệt với mức tăng 3%, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 4,8% so với cùng kỳ và 0,2% so với tháng 5. Con số này thấp hơn so với ước tính trước đó là tăng 5% và 0,3%. 

Phản ứng lập tức sau khi báo cáo được công bố, hợp đồng tương lai Dow Jones tăng gần 200 điểm và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm trên diện rộng. Giá vàng thế giới cũng phản ứng mạnh trước số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ. Theo đó, giá vàng đã bật tăng trở lại ở mốc 2011 USD/Oz.

Nguồn: Wichart
Nguồn: Wichart

Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng theo dữ liệu tại CME FedWatch Tool ngày 14/7, có 94.9% nhà đầu tư cho rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản trong phiên họp vào,ngày 25-26/7 sắp tới. Và thị trường đang nghiêng về khả năng Fed chỉ tăng lãi suất một lần nữa rồi dừng hẳn, và đây là  nhân tố quan trọng đưa vàng tăng giá. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng còn dè dặt, bởi giới chuyên gia và đầu tư không loại trừ khả năng Fed sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian trước khi bước vào giai đoạn thắt chặt tiền tệ.

Nguồn: CME FedWatch Tool
Nguồn: CME FedWatch Tool

Trung Quốc đối mặt với nguy cơ giảm phát

Tuần qua Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cũng đã công bố CPI tháng 6 với mức tăng 0% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng trước,mức giảm là 0,2%. Những dấu hiệu này cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ xảy ra tình trạng giảm phát.

Mặc dù vấn đề của Trung Quốc với Mỹ là gần như đối nghịch nhau, tuy nhiên Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng cả hai đều có tác động tiêu cực tới Việt Nam. Bởi đây là hai thị trường thương mại lớn nhất của nước ta trong nhiều năm qua. Nếu như lạm phát làm giảm nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ, làm giảm lượng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam thì việc giảm phát xảy ra ở Trung Quốc dẫn tới nguy cơ kép. 

Theo Tổng cục Thống kê, 06 tháng đầu năm 2023 Việt Nam nhập siêu gần 25 tỷ USD từ thị trường tỷ dân. Các mặt hàng nhập khẩu chính là nguyên vật liệu cơ bản, các sản phẩm trung gian đầu vào. Các doanh nghiệp đặt tại Việt Nam sẽ sản xuất, gia công sau đó sẽ xuất khẩu ngược sang Trung Quốc và một phần sẽ từ Việt Nam đi ra các thị trường khác trên thế giới. 

Nếu Trung Quốc xảy ra giảm phát thì “hiệu ứng domino” sẽ làm cho nhu cầu tiêu thụ của quốc gia này chững lại, làm giảm lượng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, nếu giảm phát xảy ra thì giá hàng hóa từ Trung Quốc sẽ giảm, khiến cho áp lực cạnh tranh về giá với các sản phẩm từ Việt Nam trở nên gay gắt, khó khăn hơn.

Sau gần nửa năm mở cửa kinh tế trở lại, rõ ràng với quy mô dân số quá lớn các chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc chưa thật sự phát huy hiệu quả. Để ứng phó với tình hình này, đòi hỏi sẽ phải có nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ hơn từ các nhà điều hành. Việt Nam chúng ta với vị thế là một nền kinh tế mở, sẽ phải chịu tác động rất lớn nếu các bạn hàng lớn của chúng ta gặp “vấn đề”. 

Cập nhật rổ VN30, đáo hạn HĐTL, thị trường nhiều khả năng có rung lắc mạnh

Tuần qua là tuần giao dịch sôi động với lực tăng điểm mạnh mẽ của VN-Index. Thị trường có dấu hiệu điều chỉnh vào phiên sáng ngày 14/7 tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã nhanh chóng đưa VN-Index quay trở lại đà tăng. Trái với dự báo trước Chuyên gia Phòng Môi giới Năng Động ABS, CTCK Vietcap, thị trường đã có một tuần giao dịch sôi động với khối lượng cũng như giá trị giao dịch đều bật tăng mạnh so với tuần trước, cho thấy “phe mua” và “phe bán” đã “tìm thấy nhau” sau một tuần giao dịch lưỡng lự, cầm chừng. Lực bán rất mạnh vào đầu phiên giao dịch chiều ngày 14/7 đã được “phe mua” “gom hết” chứng tỏ dòng tiền đã chấp nhận thị trường ở một vùng giá cân bằng mới, nơi mà phe mua đang chiếm thế “thượng phong”. 

Theo dữ liệu từ Wichart.vn, tính đến ngày 14/7/2023 chỉ mới 8 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE, 12 doanh nghiệp niêm yết trên HNX chính thức công bố kết quả kinh doanh. Điều này cho thấy những kỳ vọng hiện tại của dòng tiền cá nhân, nhỏ lẻ vẫn chưa được kiểm định bằng con số chính thức mà chủ yếu chỉ thể hiện sự kỳ vọng tích cực vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. 

Chuyên gia Phòng Môi giới Năng Động ABS, CTCK Vietcap đã nhận định từ 2 tuần trước, trước mỗi mùa báo cáo thị trường chứng khoán lại chứng kiến sự phân hóa rõ nét của dòng tiền. Điều đó đã thể hiện rõ trong hai tuần qua, dòng tiền lớn có xu hướng tập trung vào những nhóm ngành với kỳ vọng lợi nhuận cao trong quý 2 năm 2023 và tiếp tục hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như nhóm bán lẻ (MWG, FRT, DGW), nhóm chứng khoán (VCI, SSI, SHS…), nhóm dầu khí (PVS, PVD…)

Nguồn: FireAnt
Nguồn: FireAnt


Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, nhịp chỉnh nhẹ vào sáng ngày 14/7 là một nhịp chỉnh cần thiết trước khi VN-Index chinh phục những cột mốc mới, và mục tiêu gần nhất là mốc 1.170-1.175 điểm. Mặc dù tín hiệu kỹ thuật rất “đẹp. Nhưng Chuyên gia Phòng Môi giới Năng Động ABS, CTCK Vietcap vẫn cho rằng thị trường đã bước vào giai đoạn rủi ro nhiều hơn là cơ hội. 

Đặc biệt trong tuần tới có 2 sự kiện có thể khiến VN-Index rung lắc mạnh là việc HoSE cập nhật mới rổ VN30, dự kiến sẽ có 2 mã cổ phiếu mới được đưa vào rổ thay thế cho 2 mã cổ phiếu không còn đáp ứng điều kiện. Và thứ 5 (ngày 20/7) là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Ngoài ra, tuần tới cũng là tuần cao điểm các doanh nghiệp công bố BCTC quý 2 và 10 ngày tiếp theo sẽ là BCTC soát xét bán niên 2023. Như đã đề cập ở trước đây, Chuyên gia Phòng Môi giới Năng Động ABS, CTCK Vietcap tiếp tục khẳng định thị trường sẽ có sự định giá lại, kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với số liệu kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Chính vì vậy, với những nhà đầu tư đã có thành quả tốt trong giai đoạn gần 2 tháng qua, nên cân nhắc chốt lời một phần để bảo vệ thành quả đã đạt được. Với những nhà đầu tư đang cầm tiền “đứng quan sát” thì nên tiếp tục quan sát, chưa nên vội vàng giải ngân trong tuần tới để tránh những rủi ro rung lắc thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư