Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Góc nhìn TTCK tuần 4-8/11: Tiếp diễn xu hướng giằng co
Phan Hằng - 04/11/2024 07:29
 
Chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN

Chỉ số VN-Index đóng cửa tuần tại mốc 1.254 điểm, tăng nhẹ 0,17%. Giá trị giao dịch trung bình trên cả ba sàn chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn khoảng 20% so với tuần giao dịch trước. Nếu loại giao dịch thỏa thuận, thanh khoản khớp lệnh của thị trường giảm-18,4%, còn 12.381 tỷ đồng. Thống kê thanh khoản cả tháng 10 đạt 17.764 tỷ đồng

Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh-7.800 tỷ đồng, tập trung ở cổ phiếu VIB (-5.400 tỷ đồng).

Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số VN-Index diễn biến giằng co trong biên độ hẹp xuyên suốt tuần giao dịch và gặp khó khăn khi nỗ lực bứt phá khỏi kháng cự gần tại vùng 1.263 điểm, tương ứng với đường trung bình động 10 phiên. Động lực nâng đỡ cho chỉ số trong tuần giao dịch qua chủ yếu tới từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng với nhiều thông tin tích cực về việc chia cổ tức.

Theo chuyên gia MBS Research, trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cùng các biến số mới về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tuần sau, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp diễn xu hướng giằng co trong tuần giao dịch tới. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý kịch bản chỉ số có thể lùi về các mốc hỗ trợ sâu hơn (1.240 +/-5 điểm) để kích hoạt lực cầu mới tham gia.

Với lo ngại câu chuyện áp lực tỷ giá đang tăng nhanh, chuyên gia Agriseco Research cho rằng, điều này sẽ có tác động nhất định tới TTCK, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và cũng là 1 trong các nguyên nhân khiến khối ngoại quay trở lại bán ròng mạnh trong tháng 10 vừa qua. Tỷ giá tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu hoặc có các khoản vay ngoại tệ bằng đồng USD. Mặc dù tỷ giá tăng nhanh trở lại trong ngắn hạn, nhưng với việc FED đã bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất nên đợt tăng này có thể sẽ không kéo dài. Đồng thời với việc NHNN phát hành tín phiếu trở lại, áp lực tăng của tỷ giá đã chững lại trong tuần vừa qua.

Chiến lược đầu tư giai đoạn tới, Agriseco Research đánh giá, khi VN-Index vẫn duy trì diễn biến giằng co biên độ hẹp trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư nên duy trì tâm lý thận trọng và hạn chế các giao dịch ngắn hạn, lướt sóng T+ khi xu hướng thị trường chưa được xác nhận rõ ràng. Với điểm tích cực từ các chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng trong Quý 4, VN-Index vẫn còn nhiều dư địa để tăng giá trong trung hạn.

Về chiều chờ mua mới, nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường về các vùng hỗ trợ hấp dẫn (1240 +/- 5 điểm) để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn, ưu tiên các cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành trong nhóm VN30, các doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 4 và triển vọng sáng trong năm 2025.

Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư năng động, các nhóm ngành thu hút thanh khoản như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản cũng là các nhóm ngành có thể cân nhắc bổ sung vào danh mục đầu tư ngắn hạn.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT có góc nhìn lạc quan về định giá, khi nhìn nhận bức tranh kinh doanh quý III/2024 ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng 8,7% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ, vượt trội so với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm. Bức tranh kết quả kinh doanh tươi sáng hơn sẽ phần nào cải thiện định giá thị trường và hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư.

Đồng thời, ông Hinh cho rằng áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của Quý 4 khi Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành và nguồn cung ngoại tệ tăng lên dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI và kiều hối tích cực. Do đó, bảo lưu nhận định rằng vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-index.

Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-index điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).

Thực tế, trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư