Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Gọi đầu tư vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Hà Nguyễn - 21/03/2019 16:16
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai gọi đầu tư vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ở tầm quốc tế và địa điểm đầu tiên là Singapore.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được coi là công cụ chính để Việt Nam thực thi chiến lược công nghiệp 4.0. Trong ảnh: Xưởng lắp ráp của Nhà máy VinSmart tại Hải Phòng.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được coi là công cụ chính để Việt Nam thực thi chiến lược công nghiệp 4.0. Trong ảnh: Xưởng lắp ráp của Nhà máy VinSmart tại Hải Phòng.

Bắt đầu gọi vốn cho NIC

Tuần trước, một cuộc tọa đàm đặc biệt đã được tổ chức tại Singapore, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Singapore Douglas Foo và Giám đốc điều hành Amcham Singapore Ann Yom Steel. Đó là buổi tọa đàm giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và kêu gọi đầu tư vào trung tâm này.

Lần đầu tiên, NIC được đưa ra để “xúc tiến đầu tư” ở tầm quốc tế. Ngay sau lời giới thiệu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về NIC, đông đảo các công ty tư vấn, các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thành lập và xây dựng trung tâm này. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bởi Singapore vốn được coi là một trong những “cái nôi” của khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Không phải ngẫu nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu NIC tại Singapore trước tiên và cũng không phải ngẫu nhiên, mà nhiều doanh nghiệp tại đây, bao gồm cả các công ty toàn cầu, lại quan tâm đến NIC đến vậy.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngay từ khi Đề án thành lập NIC mới được đưa ra lấy ý kiến công luận, rất nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến dự án này. Một trong những bằng chứng dễ thấy nhất là Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã cam kết đầu tư khoảng 30 triệu USD cho việc xây dựng NIC. Đây là khoản vốn ban đầu rất có ý nghĩa để từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi đầu tư xây dựng NIC, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào NIC.

Theo tính toán ban đầu, chi phí xây dựng NIC có thể lên tới 100 triệu USD. Tuy nhiên, trong bản báo cáo mới nhất được trình lên Chính phủ, thì khả năng, sẽ chỉ cần khoảng 74 triệu USD cho cả 3 giai đoạn xây dựng, và cần khoảng 5-6 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn vận hành ổn định.

Mặc dù vậy, gọi vốn đầu tư vào xây dựng NIC không phải là câu chuyện “khó nhằn” nhất. Thêm nữa, Chính phủ Việt Nam cũng xác định, NIC không phải là tòa nhà mang tính vật lý, mà quan trọng hơn hết là bên trong đó có gì, mang lại hiệu quả ra sao. NIC được xây dựng với mục đích trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo ở quy mô toàn cầu, trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo không chỉ của các doanh nghiệp Việt Nam, và vì thế, điều quan trọng là Việt Nam có thực sự phát triển được NIC ở “tầm” đó hay không.

“Để đảm bảo NIC thành công, thì phải quy tụ được nhân tài về đây, kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư vào NIC, bao gồm cả tập đoàn lớn và các doanh nghiệp nhỏ”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Làm sao để đón “phượng hoàng?

Khi Đề án thành lập NIC bắt đầu được đưa ra lấy ý kiến công luận, thì câu hỏi làm sao để đón được “phượng hoàng” lại được đặt ra. Tại buổi tọa đàm ở Singapore, các nhà đầu tư quốc tế cũng đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến thể chế, chính sách khi đầu tư vào NIC. Điều họ quan tâm là nếu đầu tư vào đây, thì họ sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi vượt trội gì, điều gì khiến NIC trở nên hấp dẫn và khác biệt với các khu công nghệ cao hiện nay ở Việt Nam, thậm chí là các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới…

Hạt nhân cho thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam

Với 5 lĩnh vực ưu tiên là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Đây được coi là công cụ chính để Việt Nam thực thi chiến lược công nghiệp 4.0, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Và khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là, Việt Nam sẽ xây dựng thể chế, chính sách vượt trội nhằm đảm bảo cho sự thành công của NIC.

Liên quan đến vấn đề này, ông Michael Tan, Giám đốc điều hành BCG (Boston Consulting Group) Singapore cho biết, các yếu tố quan trọng trong phát triển một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia gồm: có nền tảng lao động trẻ, tài năng, thu hút được nhân tài thế giới; thu hút các đối tác chiến lược, không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực sản xuất, mà phải làm sao để họ đưa các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về Việt Nam. Quan trọng nhất là phải xây dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Cuối cùng, “cần có cơ chế tốt cho các doanh nghiệp vào đầu tư”.

“Cần tạo ra một môi trường kinh doanh ưu việt, giàu tính cạnh tranh, thể chế ở trình độ quốc tế, hạ tầng hiện đại. Đồng thời, phải xác định được mục tiêu và thu hút các đối tác phù hợp cho NIC từ các tập đoàn công nghệ, các vườn ươm, nhà đầu tư, những start-up nổi bật…”, ông Michael Tan nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động
Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư