Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gói hỗ trợ và trách nhiệm tài chính
Minh Nhung - 25/01/2022 08:09
 
Một trong những yêu cầu của gói hỗ trợ là lồng ghép tác động của tài chính và tiền tệ. Trong sự lồng ghép này, trách nhiệm về tài chính rất nặng nề.

Trách nhiệm về tài chính của gói hỗ trợ rất nặng nề cả về nguồn lực, tính khả thi, tiến độ thực hiện, lẫn tác động và hiệu ứng phụ.

Trước hết là nguồn lực. Tổng quy mô của gói hỗ trợ là 347.000 tỷ đồng, trong đó tài chính 301.000 tỷ đồng (bao gồm tài khóa 291.000 tỷ đồng, ngoài tài khóa 10.000 tỷ đồng), tiền tệ 46.000 tỷ đồng. Theo đó, riêng tài khóa đã chiếm gần 83,9%, nếu kể cả ngoài tài khóa chiếm trên 86,7%, trong khi tiền tệ chiếm gần 16%. Điều đó cũng có nghĩa, tài chính có trách nhiệm nặng nề về nguồn lực của gói hỗ trợ và cũng đúng với bản chất đây là gói hỗ trợ của Nhà nước đối với thị trường.

Tính khả thi được hiểu theo 3 mặt: khả năng nguồn lực, khả năng hấp thụ và khả năng hoàn trả.

Khả năng về nguồn lực phụ thuộc vào việc tìm nguồn. Nguồn lực lớn nhất lại là bội chi, với số tiền lên đến 240.000 tỷ đồng, chiếm tới 69,2% tổng gói hỗ trợ, chiếm 79,7% tổng gói tài chính và chiếm gần 82,5% gói tài khóa.

Theo đó, nguồn từ bội chi không phải là nguồn thực chất, trực tiếp, mà phải từ vay nợ, làm tăng nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia; hoặc phải giảm một số khoản thu.

Nguồn thứ hai được bổ trợ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (6.600 tỷ đồng).

Nguồn thứ ba là giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022, với số tiền 6.000 tỷ đồng.

Nguồn thứ tư là tăng phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, nhà ở xã hội và bổ sung vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc ít người và miền núi 2021-2030.

Nguồn ngoài tài khóa gồm Quỹ Viễn thông công ích để phát triển hạ tầng Internet (5.000 tỷ đồng), Quỹ Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp (5.000 tỷ đồng).

Khả năng hấp thụ được xét trên hai điểm. Tập trung vào các lĩnh vực: chi đầu tư phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội. Chi đầu tư phát triển với khoảng 176.000 tỷ đồng, chiếm trên 73,3% tổng bội chi, chiếm 58,5% tổng vốn tài chính và chiếm 50,7% tổng gói hỗ trợ.

Chi đầu tư phát triển gồm các khoản như chi phòng chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật liên vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương (khoảng 14.000 tỷ đồng); chi phát triển kết cấu hạ tầng (khoảng 113.850 tỷ đồng); chi hạ tầng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai (5.000 tỷ đồng); chi hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (40.000 tỷ đồng)…

Về tiến độ thực hiện, cần khẩn trương triển khai ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực và được kết thúc vào cuối năm 2023.

Tác động và hiệu ứng phụ là hai kết quả trái ngược nhau của gói hỗ trợ. Tác động tích cực theo mục tiêu của gói hỗ trợ là tăng trưởng kinh tế được phục hồi và an sinh xã hội được cải thiện sau Covid-19.

Tác động đến tăng trưởng được các cơ quan xây dựng chương trình dự báo là năm 2022 tăng thêm 2,9 điểm phần trăm so với tốc độ tăng năm 2021 và năm 2023 tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về những hiệu ứng phụ.

Trước hết là bội chi ngân sách. Mức bội chi ngân sách trong gói hỗ trợ tăng thêm là 240.000 tỷ đồng, cộng với mức bội chi trong kế hoạch thường xuyên, thì tổng số bội chi lên tới khoảng 540.000 tỷ đồng. GDP (đánh giá lại) năm 2021 là 8.398.600 tỷ đồng, tốc độ tăng GDP theo kế hoạch giá so sánh là 6%, ước chỉ tiêu giảm phát GDP khoảng 4%, thì GDP theo giá thực tế sẽ đạt khoảng 10,2%. Khi đó, GDP theo giá thực tế năm 2022 sẽ đạt 9.258.000 tỷ đồng và tỷ lệ bội chi/GDP sẽ là 5,8%, chứ không phải là 4% như kế hoạch ngân sách.

Một vấn đề khác mà các chuyên gia cũng cảnh báo là các chỉ tiêu về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các tỷ lệ này hiện vẫn thấp hơn trần quy định, tức là còn dư địa.

Một vấn đề rất quan trọng là lạm phát. Lạm phát do các yếu tố ở trong nước và sự chuyển động của dòng tiền, cộng hưởng với “nhập khẩu” lạm phát. Nếu tỷ giá VND/USD tăng thì sẽ làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng kép (vừa tăng khi tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng).

Do vậy, cần phải giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời để giảm thiểu các hiệu ứng phụ.

Công bố nghị quyết về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
Tổng thư ký Quốc hội họp báo công bố 4 Nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư