Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gọi món trực tuyến: Mô hình kinh doanh thời thượng hay làn sóng ảo
Anh Hoa - 21/04/2015 22:09
 
Phần đông giới trẻ, nhân viên văn phòng và đại đa số người sử dụng Internet, smartphone đang góp phần làm bùng nổ thị trường gọi món online, tạo cơ hội cho các nhà khởi nghiệp trên thị trường này lao vào cuộc đua thiết lập vị thế riêng.

Bành trướng qua M&A

Kể từ khi xuất hiện trên thị trường năm 2012, Foodpanda đã huy động được hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư. Sau khi giành thị phần của các đối thủ cạnh tranh chủ chốt ở Ấn Độ, Mexico, Nga, Brazil, Đông Âu, Trung Đông, châu Á, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư về sản phẩm và công nghệ, tập trung vào dịch vụ khách hàng để trở thành công ty đặt hàng thức ăn trực tuyến có dịch vụ giao hàng nhanh chóng, tiện lợi và thân thiện với khách hàng nhất. 

Tại Việt Nam, năm 2014, số đơn đặt hàng của Foodpanda đã tăng 800%. Hiện tốc độ tăng trưởng mỗi tháng đạt từ 20-25%. Trong đó, đơn đặt hàng thông qua ứng dụng điện thoại Foodpanda tăng trưởng mỗi ngày, bởi sự thuận tiện, giúp mọi người có thể gọi món ở bất cứ nơi đâu. Foodpanda nhanh chóng trở thành thương hiệu duy nhất tại Việt Nam triển khai dịch vụ tại 5 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, với hơn 1.000 nhà hàng.

 

Nổi tiếng và rầm rộ trên toàn cầu và nhanh chóng lấy được vị thế tại Việt Nam, song Foodpanda lại gia nhập thị trường gọi món online của Việt Nam muộn hơn cả. Một trong những thương hiệu Việt đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực nhiều thách thức này là Vietnammm (tháng 2/2011). Với trang web hiện có hơn 1.000 nhà hàng, hơn 35.000 đơn hàng mỗi tháng, Vietnammm đang mở rộng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, tạo thành 3 thị trường năng động, tập trung đông khách hàng và giàu tiềm năng phát triển.

Với vị thế đáng gờm đó, năm 2013, Vietnammm lọt vào mắt xanh của một trong những website cung cấp thực phẩm lớn nhất trên thế giới Takeaway.com (Hà Lan). Họ mua Vietnammm để bước chân vào thị trường phân phối thực phẩm của Việt Nam. Ngược lại, Vietnammm tận dụng lợi thế nền tảng của Takeaway.com, bao gồm các ứng dụng điện thoại iOS, Android và Windows, để đa dạng hóa dịch vụ với khách hàng.

Đây là bước đột phá đầu tiên của Takeaway.com bên ngoài châu Âu. Trong khi đó, Foodpanda, với sự hậu thuẫn tài chính mạnh từ Rocket Internet, đang không ngừng quảng cáo hình ảnh để chinh phục Việt Nam - một trong những thị trường được xác định là quan trọng nhất ở Đông Nam Á.

Dĩ nhiên, điều đó với cả Takeaway.com và Foodpanda không hề dễ dàng, khi họ gặp phải đối thủ trong nước là VC Crop. Năm 2012, VC Corp bành trướng trên thị trường đặt món trực tuyến khi chi 2,6 tỷ đồng mua lại Eat.vn (được thành lập năm 2011 bởi Anders Palm, người Thụy Điển sống tại TP.HCM từ năm 2007), để phát triển dịch vụ cho người nước ngoài và đặt món trực tuyến.

Ngoài ra, năm 2012, sau khi gọi được 60 triệu USD từ IDG Ventures, Rebate Network và ru - Net, MJ Group bắt đầu bành trướng thế lực của mình trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam bằng cách thâu tóm một startup trên thị trường là OrderFood.vn, đổi tên thành Hungry.vn.

Nắm thế độc quyền khai thác dịch vụ

Cũng giống như các mô hình kinh doanh thương mại điện tử khác, giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh gọi món online (qua trang web trung gian) là xây dựng hệ thống kết nối khách hàng và nhà hàng trên một nền tảng trực tuyến, nhằm mang đến sự tiện lợi và đa dạng cho cả ba bên.

Về phía nhà hàng, trang dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến là kênh phân phối và tiếp thị hiệu quả giúp họ tiếp cận khách hàng mới ở một địa bàn, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc bỏ ra một chi phí hợp lý cho đối tác. Ngược lại, các trang đặt hàng thức ăn trực tuyến sẽ cung cấp cho nhà hàng một hệ thống cơ sở hạ tầng có sẵn, mạng lưới phân phối và công cụ để triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi hiệu quả và kinh tế hơn.

Về phía khách hàng, nhu cầu tìm kiếm và trải nghiệm nền ẩm thực đa dạng là xu hướng thời thượng của giới trẻ. Các trang gọi món trực tuyến mang đến cho khách hàng một phương thức trải nghiệm ẩm thực tiện lợi, thỏa mãn được nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không chỉ dựa vào tiềm lực tài chính. Foodpanda là công ty toàn cầu duy nhất tại Việt Nam sở hữu những quan hệ đối tác độc quyền. Nếu ký độc quyền với các thương hiệu, Foodpanda sẽ thuận lợi hơn so với đối thủ ở chỗ: nhà hàng/thương hiệu ẩm thực đó hoàn toàn sử dụng dịch vụ của Foodpanda, không kết hợp với bất kỳ một bên thứ 3 nào khác cho dịch vụ giao hàng.

Ngoài ra, việc ký độc quyền với các thương hiệu nhà hàng đồng nghĩa với việc Foodpanda có được tỷ lệ ăn chia doanh thu, lợi nhuận chắc chắn hơn. Đó là lý do vì sao gần đây Foodpanda ký hợp đồng độc quyền, giao dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến với KFC Việt Nam Joliebee, Burger King, BBQ Chicken và đang đàm phán với Mcdonald’s và Starbucks.

Kéo niềm tin trở lại

Thị trường đang đua tranh khốc liệt, các nhà đầu tư cần phải làm bất cứ điều gì có thể, nhất là khi thương mại điện tử đã không thực sự có được sự tin tưởng của khách hàng. Trên thực tế, số lượng người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng do họ đã tin tưởng thương mại điện tử hơn. Do đó, các công ty như Lazada, Zalora, Deal Hot, Foodpanda, Vietnammm, Eat.vn đã đầu tư vào thị trường này.

Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) năm 2014 với người dân có mua sắm trực tuyến cho thấy, 71% người tham gia khảo sát đã mua hàng trực tuyến qua website bán hàng hóa/dịch vụ, tăng 10% so với năm 2013. Số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến tăng từ 45% năm 2013 lên 53% năm 2014. Những con số này chứng minh tiềm năng phát triển cho thị trường giao hàng thực phẩm online Việt Nam.

“Chúng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi trong thái độ của khách hàng Việt. Họ đánh giá cao sự tiện lợi của thực phẩm đặt hàng trực tuyến và phát hiện rằng, họ sẽ phải trả cùng một mức giá để ăn món ăn yêu thích của họ ở nhà. Nhiệm vụ của chúng tôi là nghĩ ra cách đặt hàng trực tuyến phù hợp với lối sống năng động của giới trẻ Việt hiện nay”, bà Domitille De Laguierce, phụ trách Marketing Foodpanda Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, các nhà khai thác dịch vụ này cần ngăn chặn rủi ro giống như những gì đã xảy ra với làn sóng mua và sử dụng voucher - giao dịch từng làm “bão” tại Việt Nam những năm trước đây. Nếu không kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm từ các đơn vị hợp tác, thị trường đặt món ăn trực tuyến sẽ đi vào vết xe đổ mà mô hình mua theo nhóm đã đi qua.

Cơ hội và rủi ro là điều không thể tránh khỏi trong một thị trường còn nhiều ẩn số như đặt món ăn trực tuyến. Thương hiệu nào thực sự am hiểu tâm lý khách hàng, quan tâm đến dịch vụ và đầu tư chuyên nghiệp sẽ nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng. Quan trọng hơn, các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp đang tìm mọi cách chứng minh rằng, đây là mô hình kinh doanh hiệu quả, không phải là làn sóng ảo. Họ đang tìm cho mình một điểm mới mẻ khác biệt giữa thị trường thương mại điện tử đông đúc.

Vốn FDI chảy vào thương mại điện tử
Một loạt thương hiệu lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua các hoạt động như ra mắt mô hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư