Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội có thêm nhiều Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nguyễn Linh - 29/02/2024 21:12
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định công bố danh mục 26 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 5 di sản.

5 di sản của Hà Nội được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt này là những di sản vô cùng quý giá và đáng tự hào của người Thủ đô.

Nghề thủ công truyền thống Nghề may Trạch Xá, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa: với 90% người dân sinh sống bằng nghề may áo dài truyền thống, làng Trạch Xá hàng nghìn năm luôn tự hào vì đã từng may áo cho vua quan thời nhà Nguyễn. 90% các công đoạn của việc may áo dài được làm thủ công với các đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ, thẳng tắp tạo nên những chiếc áo dài mềm mại, thướt tha, khoe được các nét duyên dáng, quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam.

Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi thợ may phải rất kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến họa tiết trang trí. Một trong những nét độc đáo của áo dài Trạch Xá là được may thủ công mà mũi chỉ vẫn đều, thẳng tắp, tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng, quyến rũ của phụ nữ Việt Nam.

Trải hàng trăm năm, nghề may đã gắn bó với Nhân dân làng Trạch Xá. Nhiều thế hệ người thợ của Trạch Xá tay nghề cao đã vượt ra khỏi lũy tre làng đi mở cửa hàng, cửa hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt là có mặt ở khắp nơi ở Hà Nội, nổi tiếng, tiêu biểu là các hiệu may áo dài lâu năm ở phố Lương Văn Can.

Lễ hội truyền thống Lễ hội làng Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm gắn với chùa Keo, nơi thờ bà Keo là hóa thân của chị cả Pháp Vân nhưng là em út trong Tứ Pháp vùng Luy Lâu.

Lễ hội diễn ra vào mùng 6 tháng 4 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của hai vị Thần - Phật quan trọng bậc nhất của làng là Thành hoàng làng Thượng tướng quân Đào Phúc và Pháp Vân - bà Keo. Đồng thời bày tỏ ước nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào. Lễ hội mang đặc trưng của cả tín ngưỡng thờ Tứ pháp và tín ngưỡng bản địa vùng Keo.

Lễ hội truyền thống Đình Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.

Lễ hội truyền thống Đình Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ gắn với di tích Quốc gia đặc biệt Đình Tường Phiêu - ngôi đình cổ với nghệ thuật kiến trúc tinh xảo. Diễn ra ngày 14 tháng Giêng âm lịch, lễ hội là dịp tưởng nhớ ân đức của Đức Thánh Tản có công trị thủy, dạy dân đánh cá.

Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được tổ chức vào đúng dịp rằm tháng Ba âm lịch hằng năm, gắn liền với truyền thuyết về ngôi miếu thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ 10.

Lễ hội truyền thống Lễ hội Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch, gắn với ngôi chùa cổ có niên đại 1.000 năm, nơi thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh.

Theo quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Khơi dòng sáng tạo di sản văn hóa dọc bờ sông Hồng
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được kỳ vọng sẽ mang tới cho người dân Hà Nội trải nghiệm mới “đánh thức” các di sản văn hóa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư