Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội đề xuất mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 1/4
Hồ Hạ - 24/01/2022 17:28
 
Theo dự thảo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, nhưng thành phố Hà Nội mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022.

Chiều 24/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch tổ chức Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế”, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 20 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Đề xuất mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế từ 1/5

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã có những đóng góp và sự phát triển chung theo hướng bền vững.

Tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch chiếm 10% trong tổng số GDP của cả nước và là ngành kinh tế được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Từ Nghị quyết Trung ương 8 của Bộ Chính trị xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đến việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng bằng các quy định của pháp luật nhất là khi Luật Du lịch ban hành vào năm 2017 và Chương trình phát triển du lịch được phê duyệt càng có điều kiện để du lịch phát triển vững chắc hơn.

Tuy nhiên, trong đà phát triển đó, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại, tổn thất. “Du lịch được xác định là ngành kinh tế bị tổn thất nặng nề. Nhiều cơ quan truyền thông gọi là "đóng băng, xuống đáy"… và du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu thế bị tác động tiêu cực”, Bộ trưởng nói.

Nhưng với nỗ lực cao, quyết tâm lớn, cùng với việc tìm kiếm những giải pháp có tính khả thi để du lịch trở lại hoạt động bình thường, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đã nỗ lực cố gắng tìm hướng đi một cách thích hợp. Bộ trưởng nhận định: “Thời gian vừa qua được hiểu như một chiếc lò xo nén, tích cực chuẩn bị để khi có cơ hội thuận lợi sẽ bật lên thúc đẩy nền kinh tế đi nhanh hơn, vượt trội hơn”.

Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo về kết quả triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL ngày 5/11/2021 của Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến ngày 23/1/2022, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam.

Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.

Về doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách, đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Đối với công tác xử lý sự cố y tế, trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa.

Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, đảm bảo không làm lây lan ra cộng đồng, khách du lịch sau khi điều trị đã được bố trí về nước an toàn.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.

Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Nhằm góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.

Cụ thể, từ nay đến 30/4/2022, tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2.

Từ 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Hà Nội đề xuất mở cửa sớm 1 tháng

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội thông tin: Các hoạt động của Hà Nội trong năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 khiến các chỉ tiêu trong 2021 hầu như không đạt kết quả, giảm sâu. Về tỉ lệ tiêm vaccine của thành phố với những người trên 18 tuổi, mũi 1 đạt tỉ lệ 99,7%, mũi 2 đạt 99,4% mũi 3 là 44%. Đây là cơ sở để thành phố thích ứng với du lịch.

Theo dự thảo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, nhưng thành phố Hà Nội mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022.

“Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…. để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31. Đề nghị các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi Covis-19 trong thời gian 6 tháng”, ông Quyền đề xuất.

Cũng tại Hội thảo, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định: Thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc. Chưa bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như bây giờ.

Ông Quang đề nghị, việc thực hiện cấp visa như năm 2019. Cùng với đó, chúng ta tuyên bố đón khách ngay từ 1/2/2022 để các thị trường chuẩn bị. Không thực hiện cách ly tại Hà Nội, nếu không sẽ không có khách. Cần có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0. Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu khách du lịch. Khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng xin phép Thủ tướng mở cửa du lịch từ 1/2/2022.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) hiến kế, Việt Nam cần mở cửa du lịch quốc tế theo thông lệ quốc tế. Bởi người Việt Nam không đặc biệt hơn người các nước, cũng không kém gì người các nước. Do đó, Việt Nam cần theo điều kiện, quy định quốc tế các nước đã công nhận. Còn đến du khách Việt Nam rồi, ông đề nghị cái gì người Việt Nam được làm thì cũng cho phép du khách quốc tế được trải nghiệm như vậy.

“Đừng nghĩ thêm nhiều. Tệ nhất là chúng ta nghĩ nhiều chuyện quá. Tốt nhất lúc này là chúng ta làm khác đi, theo hướng làm tốt hơn. Trước chúng ta đã mở visa cho nhiều nước rồi thì bây giờ hãy mở thêm cho nhiều nước hơn trước. Nay thủ tục đơn giản hơn nữa, dùng điện tử, blockchain công nghệ thông tin…”, ông bày tỏ và nhấn mạnh: “Hãy làm việc đơn giản vì quyền lợi của người dân, vì quyền lợi đất nước và tương lai của đất nước hôm nay và mai sau”.

Kiến nghị mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế vào dịp 30/4
Nỗ lực phục hồi ngành kinh tế xanh, Bộ VHTT&DL sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch mở cửa toàn bộ thị trường du lịch quốc tế, có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư