Thứ Năm, Ngày 17 tháng 07 năm 2025,
Hà Nội đề xuất xây bãi đỗ xe ngầm tại công viên, vườn hoa
Linh Nguyễn - 17/07/2025 14:28
 
Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội đề xuất nghiên cứu xây dựng các bãi đỗ xe ngầm tại công viên, vườn hoa nhằm giảm áp lực giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất công trong bối cảnh nhiều dự án công viên còn chậm tiến độ.

Theo kết quả giám sát của Ban Đô thị - HĐND Thành phố Hà Nội, trong tổng số 44 dự án cải tạo, nâng cấp công viên, vườn hoa giao cho UBND cấp huyện trước khi sắp xếp đơn vị hành chính, đến nay đã có 25 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. 16 dự án đang triển khai và 3 vườn hoa chưa được thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều dự án tại các quận, huyện vẫn chậm tiến độ do vướng mắc trong quy hoạch và giải phóng mặt bằng. Đơn cử như vườn hoa Giảng Võ đang chờ quy hoạch chi tiết khu tập thể Giảng Võ được phê duyệt; các vườn hoa Cổ Tân, 19/8, Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) chưa thể triển khai do địa phương đang cân nhắc phương án đầu tư bãi đỗ xe ngầm dưới lòng đất.

Tương tự, công viên Nghĩa Đô và công viên Hòa Bình hiện vẫn chưa được triển khai cải tạo hoặc xây mới. Việc duy trì và duy tu tạm thời đang được áp dụng tại một số vị trí nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.

Công viên Hoà Bình.

Về nhóm 6 dự án xây mới công viên, nhiều trường hợp đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch hoặc thủ tục pháp lý.

Công viên Chu Văn An đã được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện đang hoàn tất quy hoạch chi tiết giai đoạn 2. Tuy nhiên, khối lượng giải phóng mặt bằng còn khoảng 2,5 ha vẫn chưa hoàn thành.

Công viên hồ điều hòa CV1 đã bàn giao một phần cho Sở Xây dựng quản lý, nhưng hạ tầng kỹ thuật xung quanh và các lối vào vẫn chưa được cập nhật.

Công viên hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội đã hoàn tất giai đoạn đầu về giải phóng mặt bằng, song giai đoạn hai với diện tích gần 9.800 m2 vẫn còn tồn đọng. Dự án hiện gặp nhiều vướng mắc như: điều chỉnh chủ trương đầu tư, thủ tục giao đất và xác định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.

Công viên Kim Quy (Đông Anh) đã giải phóng mặt bằng gần 100 ha. Tuy vậy, dự án vẫn vướng các điểm nghẽn như: di dời nghĩa trang thôn Ngọc Chi, điều chỉnh hạ tầng điện cao thế và hoàn trả tuyến kênh D4.

Công viên hồ Phùng Khoang còn hơn 1.600 m2 chưa giải phóng mặt bằng, dù phần lớn diện tích đã thi công. Một số hạng mục xây dựng từ lâu đang xuống cấp.

Công viên Văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông đã có kết quả thi tuyển kiến trúc, hiện đang trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trên cơ sở giám sát, Ban Đô thị đề xuất UBND Thành phố Hà Nội cần khẩn trương rà soát tổng thể hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước trên địa bàn theo Quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014, đồng thời cập nhật phù hợp với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thành phố cần chủ động điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đưa ra khỏi quy hoạch những dự án công viên, vườn hoa không còn phù hợp, qua đó tối ưu hoá việc sử dụng đất đô thị.

Đoàn giám sát kiến nghị Hà Nội nghiên cứu phương án đầu tư các bãi đỗ xe ngầm tại vị trí công viên, vườn hoa, nơi có điều kiện về quỹ đất và tính khả thi kỹ thuật. Đây được xem là giải pháp vừa bổ sung hạ tầng giao thông tĩnh, vừa hạn chế lãng phí đất công và góp phần xây dựng Thành phố xanh - sạch - văn minh.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là các công viên lớn như Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, cũng như các dự án đang trong kế hoạch như Thành Công, Giảng Võ, Thanh Niên.

Các sở, ngành và địa phương cần chủ động giải quyết dứt điểm các tồn tại về quy hoạch, đất đai, đầu tư, nghĩa vụ tài chính và công tác giải phóng mặt bằng. Riêng UBND các xã, phường mới sau sắp xếp hành chính cần tăng cường phối hợp với chủ đầu tư để xử lý triệt để các vướng mắc tồn đọng trong quá trình triển khai dự án.

Thành phố cũng được đề nghị tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm như lấn chiếm đất đã giải phóng mặt bằng hoặc sử dụng sai mục đích. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ phần diện tích đã được thu hồi nhằm đảm bảo quỹ đất sẵn sàng cho triển khai khi đủ điều kiện pháp lý.

Công viên 65 ha lớn nhất Hà Nội đang thành hình
Khi Hà Nội ngày càng bị bê tông hóa, thiếu hụt nghiêm trọng không gian công cộng quy mô lớn, một “siêu công viên” tích hợp cây xanh - mặt nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư