Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Đề xuất xây dựng đường hầm thông minh để giải quyết ngập lụt
Thanh Nga - 21/08/2017 09:00
 
Gần đây nhất, trận mưa sáng 13/8 diễn ra chưa đầy 60 phút đã khiến nhiều tuyến phố và khu vực nội thành Hà Nội ngập nhiều giờ liền. Thực trạng này diễn ra liên tục hàng chục năm nay và dù đã sắp qua mùa mưa, nhưng người dân Thủ đô vẫn chờ đợi giải pháp tổng thể.
.
Tình trạng ngập lụt đô thị tại Hà Nội diễn biến ngày càng phức tạp

Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước mưa của Hà Nội chỉ có thể đáp ứng lượng mưa 50 mm trong 2 giờ liên tục, nên với lượng mưa khoảng 80 mm thì việc xảy ra ngập úng là bất khả kháng.

Ngược dòng thời gian, trận mưa lịch sử hồi tháng 11/2008 đã gây thiệt hại cho Hà Nội lên đến 3.000 tỷ đồng, tuyến đê sông Hồng đã bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa đã tràn nước. Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành phố bị ngập lụt cần cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm nâng cấp các hệ thống thoát nước đô thị, nhưng hàng năm, mỗi khi gặp những trận mưa lớn, tình trạng lụt lội trầm trọng vẫn tái diễn.

Tại Hội thảo “Chống ngập úng, các giải pháp giúp thành phố trong công tác chống ngập úng”, do UBND TP. Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chống ngập và tiêu thoát nước đã nhận định, tình trạng ngập lụt đô thị tại Hà Nội xảy ra do nhiều nguyên nhân.

Về khách quan, Hà Nội là thành phố có địa hình trũng thấp, cao độ trung bình khu vực nội thành chỉ từ 6 - 6,5 m so với mực nước biển, độ dốc dưới 10% chiếm 54,5% diện tích toàn Thành phố. Vào các tháng mùa mưa, mực nước sông Hồng vượt mức báo động I, nước trong thành phố không thể tự thoát, dẫn đến nguy cơ ngập lụt. Ngoài ra, đô thị hóa và gia tăng dân số cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại Hà Nội. Hệ thống cống, mặc dù đã được đầu tư, cải tạo, song chưa hoàn thiện nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước của Thành phố.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, ngập úng tại Hà Nội còn do các nguyên nhân chủ quan, đó là những bất cập trong công tác quản lý đô thị, quản lý hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, quy hoạch thoát nước còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Thành phố chưa có hệ thống giám sát, cảnh báo và điều hành đồng bộ chống ngập. Ngoài ra, diện tích thoát nước tự nhiên của Thành phố bị thu hẹp đáng kể do bị lấn chiếm. Trong vòng 50 năm qua, có đến 80% diện tích mặt nước của Thủ đô bị san lấp.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù Hà Nội đã thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, nhưng do không theo kịp tốc độ đô thị hóa, tăng dân số, tăng diện tích mặt phủ không thấm nước, nên ngập lụt vẫn xảy ra. Hơn nữa, một thực tế là việc cải tạo không đồng bộ giữa các khu đô thị nên hiệu quả không cao. Trạm bơm đầu mối Yên Sở, công suất 90 m3/s, tuy đảm bảo công suất, nhưng các đường cống dẫn nước đến lại không đáp ứng, thỏa mãn với công suất máy bơm, nên nước vẫn ứ đọng trên các khu phố có địa hình thấp.

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tiêu thoát nước tại Hà Nội và kinh nghiệm chống ngập từ các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp giúp Hà Nội giải quyết tình trạng ngập lụt đô thị. Trong đó, giải pháp cơ bản và quan trọng nhất là phải xây dựng trung tâm điều hành chống ngập (EOC); xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo; hoàn thiện hệ thống cống thoát nước; rà soát, lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng các hồ điều hòa, trạm bơm tiêu úng hiện có. Bên cạnh đó, tiếp tục nạo vét cải tạo các sông, kênh mương thoát nước chính; xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước; đưa vào sử dụng xe bơm lưu động phục vụ ứng cứu khẩn cấp các vùng ngập cục bộ và nặng.

Đáng chú ý, các chuyên gia Malaysia đề xuất giải pháp xây dựng đường hầm thông minh cho TP. Hà Nội nhằm giải quyết triệt để tình trạng ngập của Thủ đô, đặc biệt là khu vực phía Tây Thành phố, đồng thời kết nối hệ thống thoát nước giữa nội thành và các địa phương lân cận.

Theo GS-TS. Trần Hiếu Nhuệ, chuyên gia cao cấp ngành cấp thoát nước, Hà Nội cần khẩn trương thực hiện quy hoạch đã có theo Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. “Trước mắt, để hạn chế úng ngập, ưu tiên xây dựng và nâng cấp trạm bơm, hồ điều hòa, kênh, mương thoát nước, cũng như cải tạo, xây dựng cống ngầm cho 3 lưu vực Cổ Nhuế, Mỹ Đình và Mễ Trì”, ông Nhuệ đề xuất.

FECON nghiên cứu, sản xuất thành công vỏ hầm cho công trình ngầm đô thị
Nghiên cứu và sản xuất vỏ hầm tại Việt Nam là một trong 3 đề tài khoa học được Ban Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của CTCP Kỹ thuật Nền móng và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư