Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội đón đầu xu hướng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Linh Nguyễn - 07/11/2024 21:37
 
Để giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và vượt qua các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Thành phố đã xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và nền kinh tế số quốc gia một cách bền vững.

Chiều 7/11, tại Hội trường Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố Hà Nội".

Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển “Link to Grow” – kết nối Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, với chủ đề “Công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan” (Hanoi DigiTech 2024).

Đón đầu xu hướng chuyển đổi số

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và chuyên gia đã thảo luận, đưa ra các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời tư vấn các kỹ năng chuyển đổi số trong hoạt động marketing, chăm sóc khách hàng, và bảo vệ thương hiệu thông qua hệ thống tổng đài đa kênh.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, chuyển đổi số không chỉ tạo ra cơ hội kết nối mạng lưới, rút ngắn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị và tối ưu hóa năng suất nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Ông Lực cũng cho rằng để duy trì và nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp cần nắm bắt và sử dụng công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động, tăng cường hiệu quả và tạo giá trị cho khách hàng.

Ông Lê Tự Lực, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phát biểu khai mạc. Ảnh: Linh Nguyễn

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã nhận thức rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố sống còn để duy trì và phát triển trong kỷ nguyên số. 

“Để giúp các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và vượt qua các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Thành phố đã xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và nền kinh tế số quốc gia một cách bền vững”, ông Lực cho hay.

Với mục tiêu kết nối, thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố, đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức Tọa đàm chuyên đề này, nhằm cung cấp một nền tảng đối thoại, định hướng và hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và tiếp cận công nghệ tiên tiến.

“Với sự tham dự của các quý vị đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, đã và đang triển khai các hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, tôi hy vọng và tin tưởng rằng đây là dịp để các quý vị đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi, thảo luận, định hướng các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng", ông Lực bày tỏ.

Nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp

Tham luận tại toạ đàm, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội khẳng định, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và mang ý nghĩa đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động doanh nghiệp, không chỉ thay đổi cách thức vận hành và mô hình kinh doanh mà còn giúp tạo ra giá trị mới cho khách hàng. 

“Chuyển đổi số thể hiện một sự thay đổi toàn diện, từ cách quản lý, quy trình, đến văn hóa doanh nghiệp, tất cả dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động”, bà Ngân nhấn mạnh.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội. Ảnh: Linh Nguyễn

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội còn gặp nhiều hạn chế. Theo bà Ngân, nhiều doanh nghiệp chưa thấu hiểu đầy đủ vai trò của chuyển đổi số, chưa xác định được lộ trình cụ thể cho quá trình này. Trong quá trình chuyển đổi số, lĩnh vực kế toán, thuế và thiết kế là những mảng được áp dụng số hóa mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ số ở mức cao và thường xuyên. 

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính vẫn là một trở ngại lớn. Gần 45% doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách cho chuyển đổi số, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu; khoảng 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có ngân sách dành cho công cuộc này.

Một khảo sát vào tháng 9 năm 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 87% trong gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải giảm đến 90% doanh thu, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Điều này càng thúc đẩy sự cần thiết của chuyển đổi số như một phương thức vượt khó và phát triển bền vững.

Hà Nội đã xác định mục tiêu trở thành một trong năm địa phương đi đầu về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Thành phố cũng đặt mục tiêu giúp 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số vào thời điểm đó. 

Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp thông qua cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo kiến thức, và tài trợ cho các nền tảng số hóa. Đồng thời, Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử để phát triển bền vững và tăng hiệu suất kinh doanh.

Đối tượng mà Thành phố ưu tiên hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ đăng ký trụ sở chính trên địa bàn TP. Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số. Qua đó làm rõ những cơ hội và thách thức chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, từ đó khuyến nghị và giải pháp để tăng cường hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.

Theo bà Ngân, có 3 định hướng chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số hiệu quả:

Thứ nhất, tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tự động hóa quy trình và tăng cường cạnh tranh sản phẩm để giảm chi phí và nâng cao hiệu suất. Đồng thời, doanh nghiệp phải nâng cao sự hài lòng của nhân viên và tìm kiếm các phương thức tăng doanh thu.

Thứ hai, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các doanh nghiệp cần xác định đúng khách hàng mục tiêu, tăng cường trải nghiệm cá nhân hóa, và phát triển mối quan hệ bền chặt với khách hàng.

Thứ ba, chuyển đổi mô hình kinh doanh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng nền tảng số và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ số mới. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và nhu cầu khách hàng.

Về nguồn vốn, bà Ngân cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, các chính sách như cung cấp các khoản vay ưu đãi, tài trợ trực tiếp, và giảm thuế cho các hoạt động chuyển đổi số sẽ là động lực lớn cho doanh nghiệp. 

“UBND Thành phố Hà Nội cũng cần phát triển môi trường pháp lý thuận lợi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào chuyển đổi số, đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của các doanh nghiệp về công nghệ số.”, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội thẳng thắn.

Công nghiệp công nghệ số hướng đến hành trình mới
Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư