Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Công nghiệp công nghệ số hướng đến hành trình mới
Bích Thủy - 21/07/2024 14:49
 
Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi về hành trình tiếp theo để phát triển ứng dụng số “Make in Viet Nam”.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Nhìn lại hành trình đã qua, theo ông, chương trình Make in Viet Nam đóng góp thế nào vào quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số?

Công nghiệp công nghệ số đã được xác định trong Nghị quyết 29-NQ/TW trở thành một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng. Các doanh nghiệp công nghệ, dù là phát triển công nghệ, sản xuất công nghệ, hay cung cấp công nghệ như một dịch vụ, đều là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội nói chung và kinh tế số, xã hội số nói riêng, góp phần triển khai và thực hiện Chương trình Quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam (Make in Viet Nam).

Nhìn lại chặng đường từ năm 2020 (thời điểm bắt đầu tuyên bố Make in Viet Nam tại Chỉ thị số 01/CT-TTG ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập và hoạt động tăng gần 30% (từ 58.377 doanh nghiệp năm 2020 lên khoảng 75.000 doanh nghiệp hiện nay).

Cùng với đó, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng gần 15% (năm 2020 là 124 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 142 tỷ USD). Tỷ trọng Make in Viet Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% năm 2020 lên 29% năm 2023.

Với chủ trương, định hướng Make in Viet Nam được Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn dắt, hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực.

Những thành tựu trên đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số Việt Nam bứt phá trong nhiều năm qua. Tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng ước đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20 đến 25%.

Hướng đến hành trình tiếp theo, ngành công nghệ thông tin đang và sẽ có những chính sách hỗ trợ gì để khuyến khích các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số?

Bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh trong môi trường thương mại quốc tế ngày càng gay gắt đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhanh nhạy trong phát triển, ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo, tạo ra các use case ứng dụng số nhằm nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế số.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chủ trương này tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2023 với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Bộ cũng đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà mạng và doanh nghiệp công nghệ số tham gia chủ trương này.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược xác định công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghiệp nền tảng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp bán dẫn gắn liền với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số, phát triển xanh, tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bán dẫn chuyên dụng cho phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này tại Việt Nam.

Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030 là, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một doanh nghiệp chế tạo và 10 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư có cơ cấu phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển; thiết lập một dây chuyền chế tạo sản phẩm bán dẫn theo tiêu chuẩn công nghiệp.

Với cơ hội đi ra thế giới, khai thác và mở rộng thị trường ở nước ngoài thì sao, thưa ông?

Hiện nay, các nước đều thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Nhiều nước tập trung vào công nghệ lõi, tạo cơ hội cho Việt Nam hợp tác phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Việt Nam có thuận lợi là có mạng lưới quan hệ rộng lớn với các nước, đặc biệt là có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Hiện có trên 1.500 doanh nghiệp đang thực hiện các hoạt động cung cấp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin cho các thị trường rất khó tính là Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, với tổng doanh thu xấp xỉ 9 tỷ USD.  Hơn nữa, gần đây, nhiều cường quốc hàng đầu về công nghệ số  tìm đến Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn. Do vậy, có thế nói, cơ hội khai thác, hợp tác của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài là rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Không Make in Viet Nam, không thể thành nước phát triển"
"Nếu không Make in Viet Nam, nước ta khó có thể trở thành một nước phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tại Lễ phát động Giải thưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư