Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Hà Nội gia nhập cuộc đua công nghệ bán dẫn toàn cầu
Nguyễn Linh - 29/07/2024 20:10
 
Với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Thủ đô Hà Nội có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tại “Hội nghị Kết nối đầu tư,phát triển công nghiệp bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024” diễn ra chiều 29/7.

“Cơ hội vàng" cho ngành bán dẫn Thủ đô

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Quang chia sẻ, là “huyết mạch” của nền kinh tế số, công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư.

Hà Nội cũng không nằm ngoài cuộc đua công nghệ bán dẫn toàn cầu, với những bước tiến đáng kể trong việc thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực, Hà Nội đang nhanh chóng trở thành một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp bán dẫn thế giới.

Ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội đã thu về những kết quả đáng ghi nhận. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 13,1%. Xuất khẩu tiếp tục lấy lại đà đi lên và tăng ấn tượng, với giá trị kim ngạch đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đặc biệt, Thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn 1,036 tỷ USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 78 dự án, với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, với giá trị 74 triệu USD. Với những kết quả tích cực nêu trên, Hà Nội vẫn là bến đỗ hấp dẫn đối với dòng vốn và các nhà đầu tư quốc tế.

“Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, thiết thực đó, thời gian qua, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thành phố Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp…”, ông Quang nhấn mạnh.

Thời gian qua, hàng loạt các công ty công nghệ lớn đã công bố kế hoạch đầu tư vào Hà Nội. Samsung là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam với việc xây dựng nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội. Tập đoàn này dự kiến sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án này, tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động địa phương.

Ngoài Samsung, Intel cũng đã xem xét việc mở rộng hoạt động sản xuất tại Hà Nội. Với sự hiện diện của những tên tuổi lớn này, Hà Nội không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ, từ sản xuất linh kiện đến dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật.

Phó giám đốc HPA cũng bày tỏ kỳ vọng sau Hội nghị vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ, hợp tác của các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã, đang và sẽ đầu tư kinh doanh tại Hà Nội, đặc biệt là đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. 

“Thành phố Hà Nội sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, để các nhà đầu tư thành công và phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung”, ông Quang thẳng thắn.

Kỳ vọng về bức tranh sáng trong thu hút đầu tư

Một trong những yếu tố then chốt giúp Hà Nội thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn là chính sách ưu đãi của Chính phủ. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp công nghệ, bao gồm các ưu đãi về thuế, đất đai và thủ tục hành chính. Các khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại Hà Nội như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư lớn.

Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Song song với đó, Hà Nội nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á,  với vị trí địa lý chiến lược, Hà Nội dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn như Trung Quốc và các nước ASEAN. Điều này mang lại lợi thế về mặt logistics và chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn.

Nhấn mạnh về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp số theo phương châm "Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển", đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo lập thị trường.

Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; chủ động nghiên cứu thị trường, lựa chọn định hướng nghiên cứu phù hợp, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Made in Viet Nam (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, vi mạch bán dẫn,...).

Đặc biệt, tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối; hợp tác nghiên cứu, đào tạo về công nghệ số với các trường đại học, cao đẳng, các trường tiểu học và phổ thông thuộc Thành phố; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng số; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển mô hình Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo TP. Hà Nội…

Nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển công nghiệp bán dẫn tại Thủ đô, ông Hùng cho biết Thành phố triển khai nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể đối với nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Về nguồn nhân lực, các trường đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã mở các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật và công nghệ bán dẫn. Các doanh nghiệp công nghệ cũng hợp tác với các trường đại học để triển khai các chương trình thực tập, đào tạo và nghiên cứu, giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến và thực tế công việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhìn chung, Hà Nội đang có nhiều lợi thế và tiềm năng để trở thành một trung tâm công nghệ bán dẫn quan trọng trong khu vực. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, tiềm năng phát triển của khu vực và sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục, Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ bán dẫn toàn cầu. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những cơ hội mà Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có được khi tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời phân tích vai trò của công nghệ IoT và AI trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn, cũng như các chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Ngành công nghiệp bán dẫn "chiến tranh tổng lực", dòng vốn chính sách cuồn cuộn chảy
Mỹ đã phân bổ phần lớn gói tài trợ 33 tỷ USD theo đạo luật CHIPS, trong khi Hàn Quốc và EU rót hàng chục tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư