Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Kinh tế đang dần phục hồi, quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng
Hạnh Nguyên - 17/12/2021 10:17
 
Kinh tế đang dần phục hồi, Thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện một loạt nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 GRDP ở mức 7,0-7,5%.

GRDP duy trì ổn định, đảm bảo cân đối thu – chi ngân sách

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, cùng với công tác phòng, chống dịch, Thành phố Hà Nội luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý 3. Theo Tổng cục Thống kê, GRDP 6 tháng đầu năm của Thành phố Hà Nội đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý 3 tăng trưởng âm 6,89%), quý 4 tăng 6,69% và GRDP cả năm của thành phố là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9 - 2,4%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán trung ương giao và các cấp, các ngành của thành phố sẽ nỗ lực, cố gắng để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu được giao.

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ.

Thành phố có trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 345 nghìn tỷ đồng... Ngoài ra, đến nay, Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ là trên 6.000 tỷ đồng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cũng chỉ ra quá trình thực hiện các nhiệm vụ của năm 2021 vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn chưa được kịp thời, còn lúng túng; công tác tổ chức triển khai phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa bàn đôi khi còn bị động, chưa quyết liệt. Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đầu năm đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp...

Đánh giá về kết quả tăng trưởng năm 2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng GRDP của Thành phố cả năm ước đạt khoảng 2,92%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (tăng 7,5%), nhưng vẫn duy trì ổn định; cân đối thu – chi ngân sách được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch bệnh Covid-19, an sinh xã hội…

Bước sang quý 4, Hà Nội thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, với những giải pháp quyết liệt phục hồi kinh tế ngay sau khi kiểm soát dịch bệnh. Kết quả, doanh thu công nghiệp, thương mại, dịch vụ tháng 10, tháng 11 tăng mạnh so với các tháng quý 3 góp phần lấy lại đà tăng trưởng.

Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,63%); hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước mở cửa trở lại, doanh thu tăng cao hơn so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố đã triển khai kịp thời các chính sách của Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất năm 2021. Đến hết 31/10/2021, đã thực hiện gia hạn, miễn, giảm trên 22,6 nghìn tỷ đồng cho trên 38 nghìn lượt doanh nghiệp, người nộp thuế.

Dự kiến năm 2021 gia hạn, miễn, giảm khoảng 25,66 nghìn tỷ đồng cho khoảng trên 212.000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế.

Trong bối cảnh dịch bệnh, kết quả phát triển năm 2021 của Thành phố có 4 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế không đạt kế hoạch: Tăng trưởng GRDP 2,35%-3,0% (kế hoạch là 7,5%); GRDP/người 129 triệu đồng (kế hoạch là 135 triệu đồng); Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 0,52% (kế hoạch tăng 12%); Kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% (kế hoạch tăng 5%). Các lĩnh vực: khách du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm sâu...

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Kỳ họp thứ 3, HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVII vừa kết thúc với kết quả 20 Nghị quyết được quyết nghị thông qua liên quan tới các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2022 và rất nhiều cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển Thủ đô thời gian tới.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2022 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Chỉ tiêu chủ yếu năm 2022: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gồm 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: GRDP tăng từ 7-7,5% (Chỉ tiêu cả nước là 6-6,5%); GRDP/người: 139-141 triệu đồng (Khoảng 6.000 USD; chỉ tiêu cả nước là 3.600 USD); Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%...

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, để có thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 7,0% - 7,5%, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách: Gồm y tế và phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội; Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu đầu tư công và quản lý điều hành. Trong đó, triển khai gói đầu tư hệ thống y tế cơ sở dự kiến 1.000 tỷ đồng, để đảm bảo điều trị ban đầu từ cấp phường, xã.

UBND Thành phố Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, trong đó ngoài việc giao rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì cũng xác định việc đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, cấp bách.

Đặc biệt sẽ gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển dịch vụ thương mại, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; lựa chọn một số điểm du lịch phù hợp để thực hiện thí điểm du lịch an toàn, từ đó dần mở rộng ra các địa điểm khác. Phục hồi và phát triển sản xuất của trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; các đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.

Theo Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, năm 2022, Hà Nội tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô, như: Báo cáo Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) vào kỳ họp Chính phủ tháng 9/2022; Hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2022.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022, phấn đấu ngành dịch vụ tăng từ 7,1% trở lên; Công nghiệp tăng từ 8,4% trở lên; Xây dựng tăng từ 10,2% trở lên; Nông nghiệp tăng từ 2,5% trở lên.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trên cơ sở danh mục và mức vốn được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác liên quan; tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư