Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội "mở đường" cho nhà đầu tư ngoại làm quy hoạch
Trang Nguyễn - 26/06/2019 15:44
 
Các dự án đô thị mới tại Hà Nội đang được nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm, tham gia ngay từ khâu thiết kế, xây dựng quy hoạch…được kỳ vọng sẽ mang đến sự thay đổi một cách đồng bộ.
1
Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nhìn từ trên cao

Hạ tầng thiếu do không đầu tư đồng bộ

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp HĐND TP lần thứ 9 mới diễn ra, cử tri phường Hàng Bồ không dấu nổi sự bức xúc trong câu chất vấn Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tình trạng thường xuyên thay đổi, bổ sung quy hoạch, tốc độ xây chung cư cao tầng không tỷ lệ thuận với việc phát triển hạ tầng giao thông..., dẫn đến xung đột, quá tải trong xã hội.

Theo vị cử tri này, thành phố Hà Nội đã phải đưa ra những giải pháp tình thế như xén vỉa hè để mở rộng đường. Sự bất cập càng thể hiện rõ khi thành phố cho xây dựng các tổ hợp chung cư nhiều tầng ở khu vực chật hẹp, đông dân cư, “trong khi nhà đầu tư lại xây dựng không đúng với quy định, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, để lại những hệ quả cho người dân gánh chịu”.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, việc Hà Nội cắt xén vỉa hè là để tối ưu hóa các tuyến đường giao thông theo tư vấn của các chuyên gia giao thông cả Việt Nam vàCơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và đây là giải pháp mà nhiều nước vẫn làm. “Khi mật độ giao thông còn ít và nguồn vốn đầu tư chưa cho phép, sẽ để dải phân cách giữa lớn, sau đó mật độ tăng lên thì xén để đỡ ùn tắc, chứ không phải không có tầm nhìn hay không thực hiện nghiêm quy hoạch”, ông Chung cho hay.

Ngoài ra, theo người đứng đầu thành phố, việc xây nhà cao tầng là một xu hướng tất yếu mà các nước đều làm. Việc này hoàn toàn đúng với kế hoạch phát triển đô thị mà Chính phủ đã phê duyệt không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn cho tất cả các đô thị của Việt Nam.Tuy nhiên, với xu hướng này nhà đầu tư chỉ làm bên trong hàng rào dự án, còn ngoài hàng rào là thành phố phải đầu tư mà do nguồn lực có hạn nên đang vênh nhau.

Một thực tế được lãnh đạo thành phố chỉ ra, nguồn lực đầu tư công hay ngân sách thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% tổng nhu cầu đầu tư, tỷ lệ đô thị hóa mới chỉ đạt 53% dẫn đến hạ tầng thiếu và tắc nghẽn do không được đầu tư đồng bộ giữa nhà ở và giao thông."Tuy nhiên, thành phố đã phát hiện vấn đề này và đang cố gắng đấu nối các hạ tầng còn khập khiễng để giảm ùn tắc”, ông Chung nói.

Nhà đầu tư ngoại nhìn thấy tiềm năng

Để có giải pháp mang tính “dài hơi” trong vấn đề quy hoạch, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, hiện đã có một nhà đầu tư Israel đang xây dựng quy hoạch Dự án khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và thành phố đánh giá cao bản thiết kế này.

Là một trong 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, Khu đô thị Xuân Mai được kỳ vọng trở thành một đô thị đại học và dịch vụ cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội.

Các khu đô thị này nằm trong Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ phê duyệt năm 2011 nhằmphát triển Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, tạo động lực phát triển mới. Các khu vực này đều có nằm trong cự ly khoảng 25-30km tính từ trung tâm thành phố.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các doanh nghiệp Italy cũng rất “tha thiết” theo đuổi dự án này và đã 2 lần kiến nghị với lãnh đạo thành phố về việc tham gia thiết kế quy hoạchkhu đô thị vệ tinh Xuân Mai.

Mặc dù nhà đầu tư Israel đang tham gia xây dựng quy hoạch khu Xuân Mai nhưng ông Nguyễn Đức Chung gợi ý các doanh nghiệp Italy có thể tham gia hợp tác cùng trong dự án này. "Bên cạnh đó, chúng tôi rất muốn hợp tác với các nhà kiến trúc của Italy để thiết kế những công trình độc đáo không đâu có được", vị lãnh đạo TP. Hà Nội kỳ vọng. 

Theo bà Danielle Labbé,Phó giáo sư quy hoạch đô thị của Đại học Montreal (Canada) - chuyên gia có nhiều nghiên cứu về quy hoạch Hà Nội, đầu tư nước ngoài đóng một vai trò lớn trong ngành công nghiệp Việt Nam, gián tiếp tác động tới quy hoạch đô thị và đô thị hóa ở Hà Nội, tuy nhiên vẫn còn ít dữ liệu về vai trò chính xác là gì.

Theo số liệu nghiên cứu, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội trước khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội là 68% và giảm xuống còn42% ngay sau hợp nhất. Sau 10 năm sáp nhập, tỷ lệ đô thị hóa hiện là 53%. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục xây thêm nhiều đô thị mới để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Kỳ vọng về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong quy hoạch thành phố,ông Chung khẳng định, “việc đầu tư sẽ phải thực hiện một cách đồng bộ, hợp lý giữa nơi ở và hạ tầng giao thông”.

Quy hoạch chung Thủ đô cần giải bài toán phát triển đô thị vệ tinh
Hà Nội là đô thị lớn của Việt Nam và thể hiện rõ nhất mô hình đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, để thúc đẩy Thủ đô và các đô thị trong vùng phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư