Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội mở rộng đối tượng người có công được hưởng hỗ trợ
Minh Thắng - 09/12/2022 11:29
 
Chiều 8/12, Kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI đã xem xét và thông qua Nghị quyết về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng.

Nghị quyết về Chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên địa bàn Thành phố Hà Nội được các đại biểu HĐND Thành phố thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt.

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương trình bày Tờ trình 2 Dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp. (Ảnh: Thanh Hải)

Nghị quyết quy định các đối tượng được hỗ trợ gồm: Cha, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

Thương/bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến.

Mức chi: Áp dụng theo quy định tại Điều 6 và khoản 6 Điều 13 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, cụ thể: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà ở mức 0,9 lần mức chuẩn người có công; 

Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung: 1,8 lần mức chuẩn người có công. Hỗ trợ chi khác phục vụ công tác điều dưỡng tập trung (điện, nước, vệ sinh...): 500 nghìn đồng/1 người/1 lượt điều dưỡng.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, khi chính sách của Trung ương thay đổi về mức chi thì chính sách đặc thù của Thành phố được áp dụng tương ứng.

Về mức hỗ trợ tiền ăn và chi khác đối với người có công và thân nhân người có công nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin Thành phố (mở rộng đối tượng, nâng mức tiền ăn và chi khác quy định tại Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND ngày 28/7/2016 của UBND Thành phố).

Đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và thân nhân liệt sĩ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của Thành phố; con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng nuôi dưỡng tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin Thành phố.

Mức chi gồm: Tiền ăn là 3 triệu đồng/người/tháng; Chi khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường...) là 500 nghìn đồng/người/ tháng.

Nghị quyết có điểm mới là mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Đó là hỗ tiền khám sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân trợ nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Mức chi hỗ trợ (bằng tiền mặt) là 1 triệu đồng/người/năm.

Hỗ trợ tiền mai táng khi người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ trần (ngoài mức kinh phí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội). Mức chi hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội tại thời điểm người có công và thân nhân người có công từ trần (không áp dụng đối với người có công với cách mạng được hỗ trợ theo Phụ lục 01, Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội. Khi chính sách mai táng của Luật Bảo hiểm xã hội thay đổi thì chính sách đặc thù của Thành phố được áp dụng tương ứng.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 114 tỷ đồng/năm. Kinh phí được trích từ nguồn ngân sách Thànhphố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư