Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Mực nước 4 hồ thủy lợi lớn vượt ngưỡng, ngập úng vẫn diễn ra tại nhiều nơi
Thanh Nga - 03/08/2018 08:21
 
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, đến nay, nước sông Bùi, sông Tích, sông Nhuệ đã giảm, nhưng vẫn trên mức báo động 2 – 3. Nước sông rút chậm khiến 4 hồ thủy lợi lớn tại Hà Nội vẫn vượt ngưỡng và tình trạng ngập úng vẫn diễn ra nghiêm trọng tại nhiều nơi.

Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn huyện Chương Mỹ còn 2.839 hộ bị ngập từ 0,5 - 2,0m. Trong đó, có 6.097 người dân vẫn đang phải sơ tán, chưa thể trở về nhà ổn định lại đời sống.

Toàn cảnh ngập lụt tại huyện Chương Mỹ (Ảnh: 24h)
Toàn cảnh ngập lụt tại huyện Chương Mỹ (Ảnh: 24h)

Huyện Chương Mỹ cũng là địa phương tổn thất nặng nề nhất về hạ tầng, kinh tế khi sạt lở 1.774m tường bao, 1.885m đường giao thông nông thôn, 8.320m đường giao thông nội đồng, 12.110m đường đê hồ đập, 11.860m chiều dài kênh mương. Cùng với đó, có 35 cầu cống và 25 công trình đền chùa bị hư hỏng…

Toàn Thành phố đến sáng nay vẫn còn 3.556ha cây trồng bị ngập, trong đó, diện tích bị ngập trắng khoảng 2.160ha. Các doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội vẫn đang tích cực vận hành 101 trạm bơm với tổng cống suất 784.250m3/s, tập trung tiêu úng cho diện tích cây trồng vẫn bị ngập úng. Đồng thời, tại 4 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn gồm: Kèo Cà, Quan Sơn, Văn Sơn, Miễu, mực nước vẫn cao hơn so với ngưỡng dung tích thiết kế.

Liên quan tới mực nước trên hệ thống các sông. Hiện, mực nước sông Đáy tại Ba Thá (Ứng Hòa) vẫn cao hơn 0,74m. Đối với các sông nội địa, mực nước sông Tích tại trạm thủy văn Đồng Quan và tại trạm Vĩnh Phúc trên mức báo động 2, 3. Mực nước sông Bùi tại trạm Yên Duyệt vẫn trên báo động 3 khoảng 0,15m.

Theo đó, tại các vùng ngập úng, các Công ty thủy lợi đang tích cực bơm tiêu chống úng, chính quyền địa phương tiếp tục tiếp nhận, cung ứng cứu trợ cho người dân bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.

Tại các khu vực hết ngập lụt, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cùng chính quyền địa phương đang tiếp tục tích cực, chủ động cùng với nhân dân tập trung ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Các huyện cũng đang tăng cường kiểm tra, theo dõi các công trình đê, kè, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là các tuyến đê thuộc sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ và sông Đáy.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, ngày 2/8, rãnh áp thấp có trục vào khoảng 21-23 độ vĩ Bắc, nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ. Trung tâm cũng dự báo do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ có xu hướng phát triển mạnh, từ đêm nay (03/8) ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa vừa; khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Đợt mưa lớn ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 05/8. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1. Khu vực Hà Nội, đêm nay và ngày mai có mưa,mưa rào; từ đêm mai đến ngày 5/8 có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Hà Nội vận hành hơn 100 trạm bơm phòng chống úng ngập
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, để chủ động ứng phó với tình trạng ngập úng cho cây trồng do mưa liên tục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư