Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội muốn tăng đại biểu HĐND chuyên trách: Cần Quốc hội quyết định
Nguyễn Lê - 11/01/2021 09:26
 
Sáng 11/1, trong phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 52 (Ảnh Quốc hội) 

Giữ tỷ lệ ứng viên ngoài Đảng

Trước đó, tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo về dự thảo nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo cơ cấu dự kiến, trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có ít nhất 35% là phụ nữ; tỷ lệ người ngoài Đảng không dưới 10%, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không dưới 15%, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 30% đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 tái cử nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở từng cấp.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát cụ thể về cơ cấu, thành phần và việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Để phục vụ phiên họp thứ 52, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết nói trên, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị quyết này.

Báo cáo nêu rõ, về cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ, dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, người trẻ tuổi, tái cử quy định trong dự thảo Nghị quyết đã bám sát nội dung Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và Thông báo kết luận số 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Vì vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.

Báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 11

Sau phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chính phủ cho biết, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đề nghị cho tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội và HĐND quận thuộc thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Cụ thể, đối với HĐND thành phố Hà Nội thì mỗi Ban có tối đa 2 Ủy viên hoạt động chuyên trách; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó trưởng ban và Ủy viên ở mỗi Ban của HĐND thành phố tối đa là 4 người.

Đối với HĐND quận thì mỗi Ban có 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó trưởng ban và Ủy viên ở mỗi Ban của HĐND quận tối đa là 3 người.

Chính phủ cho rằng đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở một số cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội là có cơ sở để triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội (không tổ chức HĐND phường trên địa bàn các quận, thị xã).

Nhưng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không có quy định về chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội cũng không quy định về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội và HĐND quận, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Do đó, Chính phủ đề nghị Uỷ  ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội khóa XIV.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị trong Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không quy định đặc thù về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội mà vấn đề này cần được báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 11.

10 sự kiện nổi bật trong năm 2020 của Quốc hội Việt Nam
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức họp trực tuyến ở tất cả các cấp độ, từ họp các Ủy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư