Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
10 sự kiện nổi bật trong năm 2020 của Quốc hội Việt Nam
An Nguyên (Theo Quochoi.vn) - 07/01/2021 11:17
 
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức họp trực tuyến ở tất cả các cấp độ, từ họp các Ủy ban đến các kỳ họp Quốc hội.
.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kiểm tra Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử tại Nhà Quốc hội trước kỳ họp (Ảnh Quochoi.vn).

Tổ chức thành công hai kỳ họp Quốc hội theo hình thức trực tuyến và tập trung, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu, tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị... là những sự kiện nổi bật trong năm 2020 của Quốc hội vừa được Văn phòng Quốc hội điểm lại.

1. Tổ chức thành công hai kỳ họp Quốc hội theo hình thức trực tuyến và tập trung

Năm 2020 để ứng phó với dịch Covid-19, lần đầu tiên, kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV được tổ chức làm hai đợt theo hình thức họp trực tuyến và họp tập trung.

Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp Quốc hội.

2. Hoàn thành chương trình lập pháp với các giải pháp nâng cao chất lượng lập pháp

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua 17 luật với tỷ lệ đại biểu tán thành cao (trung bình là 92.50%). Đây là những dự án luật quan trọng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, liên quan đến các lĩnh vực của đời sống như kinh tế, xã hội; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đối ngoại; tổ chức bộ máy; phòng, chống tham nhũng; cư trú; đầu tư; bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến vào 10 dự án luật trong đó có những dự án luật được các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đánh giá kỹ, đề nghị cơ quan trình phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để báo cáo với Quốc hội. Điều này cho thấy chất lượng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn; các dự án luật được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện hơn.

.
.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành chất vấn một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đó, Quốc hội không chọn người trả lời chất vấn cụ thể, cũng không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các đại biểu tiến hành chất vấn về những nội dung mình quan tâm, hướng tới việc làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những việc đã làm được cũng như chưa làm được trong cả nhiệm kỳ, thể hiện tinh thần Quốc hội giám sát đến cùng việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành.

Trong 2,5 ngày chất vấn đã có tổng cộng 121 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn; 41 lượt đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Trong năm 2020, Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đã ban hành nghị quyết để đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề liên quan, qua đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tăng cường việc phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm các điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước.

4. Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, có tầm nhìn chiến lược và có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, nhân văn sâu sắc.

5. Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu

Ngày 8/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Hai Hiệp định này đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược.

6. Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị

Với tinh thần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị, nông thôn, sau khi thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (kỳ họp thứ 8 năm 2019) và Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng (kỳ họp thứ 9 năm 2020), tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, ở quận và phường thuộc thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức Hội đồng nhân dân; thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

7. Khẳng định dấu ấn của Quốc hội Việt Nam trong năm Chủ tịch AIPA 2020

Đảm nhiệm Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 là điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ khóa XIV. Cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

8. Thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

 Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia với 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng Bầu cử Quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật; phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập sớm hơn trước một kỳ họp để công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử quốc gia. Theo đó, Quốc hội quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Một trong những điểm mới của kỳ bầu cử tới là tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách được luật quy định tối thiểu 40%, tăng 5% so với các nhiệm kỳ trước.

9. Đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ và đồng thuận cao, đã có 145 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc các dự thảo được chuẩn bị công phu, chặt chẽ, thận trọng, kỹ lưỡng, nghiêm túc, có cách làm mới; kết cấu, bố cục bảo đảm khoa học, chặt chẽ, logic; từ ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; nội dung khái quát cao, thể hiện được vấn đề cốt lõi, mang tính thời đại, kết tinh trí tuệ tập thể, bảo đảm hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa tinh thần kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển.

10. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quốc hội điện tử

Trong năm 2020, việc xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử tiếp tục có bước phát triển vững chắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Quốc hội.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức họp trực tuyến ở tất cả các cấp độ, từ các phiên họp, cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đến các kỳ họp Quốc hội và các cuộc họp trong khuôn khổ các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế.

 

[Infographic] 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam: Những giá trị lịch sử
Ngày 6/1/1946 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư