Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội ngăn lạm thu trong các cơ sở giáo dục
D.Ngân - 27/09/2022 19:50
 
Hà Nội cấm lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh thu 7 khoản tiền.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học;

Kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định; xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023, quy định các khoản thu đầu năm học.

Sở này lưu ý, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ảnh minh hoạ

Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại thông tư này.

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Văn bản cũng nêu rõ, việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Với mong muốn ngăn chặn tình trạng lạm thu, nhiều địa phương quy định chi tiết khoản nào được thu và thu bao nhiêu.

Đầu năm học này, UBND TP.Hải Phòng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập.

Các trường chỉ được phép thu các khoản trong danh mục. Theo đó chỉ có một khoản thu theo định kỳ gồm: mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống.

Các khoản thu theo tháng là tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ bảy, dạy học 2 buổi/ngày… Địa phương này yêu cầu các trường công lập phải sử dụng chứng từ thu.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có hướng dẫn chi tiết các khoản thu và mức thu trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 - 2023.

Tuy nhiên, địa phương này cho thu khá nhiều khoản như tiền nước uống, dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định quy định các khoản thu dịch vụ như chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè, dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học.

Dạy thêm, học thêm  các môn văn hóa, tiền trả công thuê người nấu ăn bán trú dùng để thuê người nấu ăn, phục vụ nuôi ăn bán trú và các khoản đóng góp bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

Tiền quản lý, chăm sóc trẻ buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính đối với trường mầm non và tiểu học; tiền đóng góp lần đầu tiên phục vụ nuôi ăn bán trú nhà trẻ, mẫu giáo và các cấp học mua mới, mua bổ sung do cơ sở giáo dục thỏa thuận với cha mẹ học sinh để quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình yêu cầu đối với mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, các cơ sở giáo dục phải xây dựng dự toán thu, chi đồng thời tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh làm căn cứ triển khai thực hiện.

Cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thụ đầu năm.

Phân kỳ các khoản thu hợp lý trong năm học để phù hợp với khả năng đóng nộp của học sinh và cha mẹ học sinh.

Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp các khoản thu đầu năm học báo cáo UBND các huyện, thành phố và sở trước ngày 1/10.

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện các khoản thu chi năm học 2022 - 2023.

Trước đó cũng về chuyện lạm thu, chuyện một trường THCS tại TP. Thủ Đức, TP. HCM thông báo không thu các loại quỹ, đặc biệt phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo gây xôn xao mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của dư luận.

Vào ngày 19/8, tại Hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TP. HCM, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM chia sẻ, qua khảo sát ngẫu nhiên trực tuyến (từ ngày 16 đến 18/8) đã ghi nhận được 28.347 phụ huynh tham gia khảo sát.

Kết quả khảo sát có 6,6% ý kiến phụ huynh cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn.

Mới đây, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với các sở, ban ngành về thực hiện chương trình, sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đây, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM, chia sẻ qua khảo sát thực tế, nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng một số trường thu hộ gắn máy lạnh, thu hộ bán trú tăng so với năm học trước. Ông đề nghị ngành Giáo dục cần xem xét vì chủ trương chung là cố gắng không tăng, nhằm giảm gánh nặng cho phụ huynh.

Học phí tăng, chất lượng có tăng tương ứng?
Học phí tăng mạnh, liệu chất lượng giáo dục đại học có tăng hay vẫn “giậm chân tại chỗ” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư