Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội quyết tâm gỡ khó, đảm bảo vật liệu thi công đường Vành đai 4
Minh Thắng - 14/04/2023 09:08
 
Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội tại 4 điểm vào ngày 30/6.

Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội làm việc với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án. 

Thành phố Hà Nội dự kiến có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội tại 4 điểm vào ngày 30/6. 

Đã khảo sát 102 mỏ vật liệu phục vụ thi công đường Vành đai 4

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội khẳng định, để đảm bảo khởi công đồng loạt các Dự án thành phần thuộc Dự án đúng tiến độ trong tháng 6/2023, việc khảo sát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công là công việc hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của Dự án.

Hiện nay, nhu cầu vật liệu làm Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh rất lớn. Cụ thể, đất đắp K98, K95, đắp bao là 12,012 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu 10,467 triệu m3; cát xây dựng 3,401 triệu m3; đá 7,512 triệu m3. Đối với chất thải, đất đổ đi, đất đào cần 3,051 triệu m3; chất thải rắn xây dựng (gạch, bê tông phá dỡ…) cần 1,731 triệu m3.

Tổng số đã khảo sát 102 mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án. Trong đó, đối với mỏ đất đắp phục vụ thi công dự án, đến thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng cộng 31 mỏ đất đắp trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu m3 (thực tế nhu cầu sử dụng khoảng 12,012 triệu m3). 

Tuy nhiên, qua điều tra các mỏ có thể khai thác có khoảng cách khá xa so với vị trí thi công dự án. Trên cơ sở bình đồ tuyến đường và khả năng cung cấp cho dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội lựa chọn và sắp xếp các mỏ theo 3 khu vực để có thể cung cấp cho dự án tương ứng với hướng tuyến Vành đai 4 trên địa bàn 3 tỉnh.

Đối với mỏ cát, bãi tập kết cát, đến nay, tư vấn đã khảo sát tổng cộng 32 mỏ trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 56 triệu m3 (thực tế nhu cầu dự kiến 10,467 triệu m3). Đối với mỏ đá, đến nay, tư vấn khảo sát 39 mỏ đá trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố với trữ lượng khoảng 280 triệu m3 (nhu cầu thực tế khoảng 7,512 triệu m3)…

Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công Dự án đúng như kế hoạch.

Việc cung cấp đủ vật liệu thi công Vành đai 4 trong tầm tay 

Để đảm bảo cung ứng vật liệu và bãi đổ thải phục vụ thi công Dự án, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Ban Chỉ đạo thống nhất chỉ đạo cho phép thực hiện phương án đắp K98, đắp bao bằng đất và đắp K95 bằng cát. Cho phép đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án để các nhà thầu thi công thực hiện đăng ký khối lượng khai thác theo cơ chế đặc thù.

Giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và liên ngành của thành phố Hà Nội cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thực hiện khảo sát, làm việc với các đơn vị có Giấy phép khai thác mỏ đất, mỏ cát tại các tỉnh lân cận khu vực Dự án để công bố giá vật liệu xây dựng theo từng tháng, từng quý đảm bảo sát giá thị trường.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 điểm mỏ đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Kế hoạch đấu giá trong năm 2023. Phối hợp với Ban Quản lý dự án hướng dẫn nhà thầu thi công dự án đăng ký khối lượng khai thác theo cơ chế đặc thù.

Đề nghị UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thống nhất về việc san lấp, đắp tận dụng đất đào nền, đào khuôn đường vào vị trí nút giao, dải phân cách giữa đường cao tốc, phần đất thu hồi 30m dự trữ đường sắt và phần hè của đường song hành để san phẳng tạo mặt bằng thi công hè giai đoạn hoàn thiện. Giao UBND các huyện khảo sát có các vị trí tập kết đất đào thực hiện kiểm tra, thống nhất để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của Dự án…

Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ và các tỉnh tham dự đều khẳng định, quan điểm chung là có trách nhiệm tham gia, phối hợp và cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cùng với Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh bảo đảm đủ vật liệu phục vụ thi công Dự án. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, nhu cầu vật liệu dự án chỉ chiếm khoảng 10% trữ lượng của các mỏ đã khảo sát, nên việc cung cấp đủ vật liệu thi công Vành đai 4 là hoàn toàn trong tầm tay. Đối với các mỏ phục vụ dự án trừ cát sỏi lòng sông, được áp dụng cơ chế đặc thù có thể tăng công suất lên 200-300%. Các mỏ mới mở chỉ đăng ký khối lượng là có thể khai thác, không cần báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, nếu chủ mỏ không cung cấp cho dự án, mà không có lý do chính đáng thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền thu hồi giấy phép khai thác mỏ đó.

Lãnh đạo các tỉnh nhất trí cao đề nghị Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các tỉnh vùng phụ cận Vành đai 4 vào danh sách các tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ phục vụ dự án.

 Nội dự kiến khởi công đường Vành đai 4 tại 4 điểm 

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý tại hội nghị. Ông cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hà Nội sẽ có từ 70% mặt bằng sạch trở lên để khởi công dự án đúng như kế hoạch, vào ngày 30/6 tới. 

“Hà Nội dự kiến khởi công đường Vành đai 4 tại 4 điểm. Ban Chỉ đạo hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đang rất cố gắng để có thể khởi công; hy vọng có thể khởi công trên toàn tuyến vào tháng 6 tới”, ông Đinh Tiến Dũng nói. 

Về vấn đề mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định sẽ báo cáo đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu có thể cung cấp phục vụ thi công Dự án Vành đai 4 được áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Thứ hai là kiến nghị cho phép nhà thầu bổ sung thực hiện xây lắp trong dự án thành phần 3 (đối tác công tư-PPP) cũng được hưởng các chính sách đặc thù liên quan đến vật liệu xây dựng như các nghị quyết nêu trên.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Tư vấn làm việc với Ban Chỉ đạo các tỉnh lên phương án về các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án Vành đai 4, cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, sản lượng theo tiến độ; trong đó, phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và quan trọng là giá rẻ nhất.

Về đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho phép thay đất bằng cát trong thực hiện phương án đắp bao để bảo đảm sự chủ động nguồn vật liệu thi công ngay sau khi khởi công, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu Tư vấn xem xét, thẩm định và đề xuất UBND Thành phố quyết định theo thẩm quyền. 

Cho rằng tiến độ phê duyệt các dự án thành phần đang chậm so với yêu cầu của Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các Bộ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thành phần, nhất là các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà các địa phương đã trình hồ sơ. 

Về tổng mức đầu tư dự án thành phần, Trưởng ban Chỉ đạo một lần nữa nêu rõ quan điểm đã thống nhất là căn cứ vào thực tế để tính toán, trường hợp vượt tổng mức dự toán ban đầu thì được phép sử dụng ngân sách địa phương. Đồng thời đề nghị tỉnh Hưng Yên đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không chờ đợi quyết đáp về tổng mức đầu tư dự án thành phần 2.1. 

Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phải đặc biệt chú ý xác định chính xác về nguồn gốc đất và diện tích đất, làm chỉn chu, tránh để xảy ra sai sót. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng có thể tham khảo kinh nghiệm hay của tỉnh Bắc Ninh như tách riêng phần di chuyển mồ mả thành dự án riêng hay kinh nghiệm của Hà Nội trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ưu tiên dành vị trí đất đấu giá, trong các vị trí đất đấu giá lại chọn vị trí đất tốt nhất để làm đất tái định cư cho người dân…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư