Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hà Nội rộng mở cơ hội đầu tư từ doanh nghiệp EU
Thanh Nga - 26/05/2018 14:28
 
Sự kiện Gặp gỡ châu Âu (Meet Europe) 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội với hơn 100 cuộc gặp gỡ kết nối doanh nghiệp đã mở ra những cơ hội mới trong kinh doanh, hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội, trước thềm EVFTA được ký kết.

Đó là khẳng định của ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam trong sự kiện Meet Europe 2018, nơi có sự hiện diện của hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có hơn 250 doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Cũng theo ông Bruno Angelet, dự kiến cuối năm nay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên, tạo tăng trưởng và thịnh vượng cho cả EU và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2018

Còn nhiều dư địa phát triển

Nhận xét về mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Liên minh châu Âu không chỉ là nhà cung cấp viện trợ phát triển không hoàn lại lớn nhất, mà còn là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc

 

Theo ông Sơn, Việt Nam đang triển khai sâu rộng, hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha. Có quan hệ đối tác toàn diện với Đan Mạch, đối tác chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu với Hà Lan và có quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước khu vực Bắc Âu và Trung Đông. Với Khối Mậu dịch tự do châu Âu (gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), quan hệ Việt Nam và các nước thành viên  cũng đang có những bước phát triển mới. Về hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam và EU cũng đang phát triển hết sức sôi động, thu hút sự tham gia của nhiều đối tác. 

Thứ trưởng cũng cho rằng, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Âu vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, vì thế, năm 2018 được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mới với việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định thương mại tự do với khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Các hiệp định này sẽ tạo xung lực mới để hai bên khai thác tối đa tiềm năng thị trường, tạo ra thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

1.000 đại biểu trong và ngoài nước dự Hội nghị
1.000 đại biểu trong và ngoài nước dự Hội nghị

Về tương lai quan hệ thương mại, đầu tư giữa châu Âu và Việt Nam, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu hoàn toàn đáp ứng được 3 yếu tố: đối tác đáng tin cậy, luôn đổi mới và bền vững, đặc biệt trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển theo hướng thông minh.

“Chúng tôi chắc chắn rằng, các nước châu Âu và các thành viên thuộc khối cộng đồng chung EU sẽ luôn tâm niệm thông điệp này. EU đã cam kết củng cố mối quan hệ hợp tác và sẽ nhanh chóng thúc đẩy quy trình phê duyệt Hiệp định EVFTA, nhằm đem lại những lợi ích cho các doanh nghiệp 2 bên ”.

Hà Nội tiếp tục là “bến đỗ” cho doanh nghiệp EU

Phát biểu tại Meet Europe 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, EU luôn là đối tác đáng tin cậy và đang hỗ trợ quá trình hội nhập của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vào nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội

Hà Nội cũng là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ châu Âu. Tại Hà Nội hiện có 28 quốc gia EU đầu tư 548 dự án, với vốn đầu tư trên 3,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, số lượng khách du lịch châu Âu đến Hà Nội năm 2017 là 850.000 lượt khách, tăng 21% so với năm 2016. Cùng các hoạt động về đầu tư, thương mại, Hà Nội luôn chú trọng hợp tác với các nước thành viên EU trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường…

Với tầm nhìn xây dựng Thủ đô “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Hà Nội đang tập trung vào phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Đồng thời, xác định mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển toàn diện.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, EU có những thành tựu nổi bật trong quản lý kinh doanh, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh, khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo... Vì vậy, Hà Nội luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp EU sẽ là đối tác tin cậy trong quá trình hội nhập quốc tế và hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, để giúp Thành phố phát triển bền vững.

Thành phố mong muốn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: các ngành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, dược phẩm, y tế, nghiên cứu khoa học, giáo dục, phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát và xử lý môi trường, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hợp tác trong xây dựng thành phố thông minh và các giải pháp chống biến đổi khí hậu trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ doanh nghiệp

Trước hàng loạt vấn đề mà đại diện các doanh nghiệp châu Âu đề cập về hợp tác đầu tư như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, hậu cần logistic, đào tạo nghề, y tế..., Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ: “Chính quyền TP. Hà Nội luôn đồng hành với các doanh nghiệp đến từ châu Âu, và cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh: thông thoáng, minh bạch hơn nữa và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp EU trên địa bàn làm ăn, kinh doanh, lâu dài, ổn định”.

Hiện chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội đứng thứ 13, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội xếp thứ 2 cả nước, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Nhờ đó, Hà Nội là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được các doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn. Năm 2016, năm 2017, Thành phố đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,5 tỷ USD, đứng thứ 2 của Việt Nam.
Hà Nội hợp tác khởi nghiệp sáng tạo: Tìm hướng đi mới cùng đối tác Hàn Quốc
Sau một năm hoạt động, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới và sáng tạo Hà Nội (HBI-IT) tiếp tục xây dựng một số chương trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư