Chiều qua (20/9), Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang thẳng thắn trao đổi với Báo Giao thông xung quanh thông tin “cấm xe máy ngoại tỉnh vào Thủ đô” để chống ùn tắc giao thông.
|
Xe máy là nguyên nhân hàng đầu gây ùn tắc giao thông ở Hà nội - Ảnh: Lê Hiếu
|
Những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng có thông tin về việc Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP”, ông có thể cho biết cụ thể hơn về thông tin này?
Để giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT nghiên cứu xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP”. Trong đó, Viện Chiến lược và phát triển GTVT tham gia với tư cách Tư vấn xây dựng đề án. Hiện, đề án mới chỉ là dự thảo sơ bộ ban đầu và Sở GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội.
Xem thêm video đường Phan Trọng Tuệ tắc kinh hoàng suốt 4 tiếng ngày 20/9/2016:
Về cơ bản đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý, tiến tới tổ chức hội thảo, chưa phải là đề xuất chính thức của Sở GTVT.
|
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang |
Như một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, dự thảo có đề cập đến lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô, quan điểm của ông thế nào?
Đúng là có việc hạn chế xe máy. Cụ thể, dự thảo đề xuất lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (Vành đai 1) từ 7h - 19h hàng ngày; Hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2: Từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3: Đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong Vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khuvực.
Có thông tin TP sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào các tuyến đường nội đô. Thông tin này có chính xác không, thưa ông?
Tôi khẳng định là đề án có đề cập đến việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô nhưng khi đã cấm là cấm triệt để tất cả các xe máy chứ không phân biệt xe biển ngoại tỉnh hay biển Hà Nội. Mới đây TP đã triển khai 12 tuyến phố đi bộ và đã cấm triệt để các loại phương tiện chứ không phân biệt xe của địa phương hay tỉnh ngoài.
|
Cảnh ùn tắc do xe máy lưu thông kiểu nước chảy “chỗ trũng” thường xuyên diễn ra ở Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn
|
Việc xây dựng triển khai Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân chắc chắn sẽ gây tác động lớn đến xã hội. Sở GTVT có tính đến chuyện lấy ý kiến rộng rãi?
Hiện Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT nghiên cứu xây dựng đề án sau đó lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học. Khi triển khai Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại khu vực nội đô sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải khách công cộng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Khi các tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân.
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT cần gắn đề án này với việc xây dựng tổng thể hệ thống giao thông đô thị thông minh cho TP Hà Nội đến năm 2030.
Cảm ơn ông!
Thu phí ô tô giờ cao điểm
Trao đổi với Báo Giao thông ngày 20/9, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - đơn vị phối hợp với Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố” cho biết, về cơ bản đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý và tiến tới tổ chức hội thảo. Nó chưa phải là đề xuất chính thức của Hà Nội. Đến nay, Sở GTVT Hà Nội cũng chưa có văn bản chính thức báo cáo UBND TP Hà Nội về vấn đề này.
Nói thêm về ý tưởng và nội dung của dự thảo đề án, ông Mười cho biết, không có nội dung cấm ô tô theo giờ như một số thông tin mà ở đây chỉ là thu phí lưu thông vào giờ cao điểm. Việc hạn chế, cấm ô tô chỉ xem xét đối với xe taxi và áp dụng theo từng khu vực và thời gian cụ thể. Lý do áp dụng hình thức này với taxi là do Hà Nội đang có khoảng 21 nghìn taxi. Với số lượng taxi như trên theo tính toán, một taxi mỗi ngày chạy khoảng 250 - 300km, khi đó giao thông Hà Nội sẽ có tỷ lệ là cứ 10 xe con sẽ có 1,5 - 1,8 xe taxi đi trên đường. Đây được xem là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Về lý do đề xuất cấm xe máy ngoại tỉnh, theo ông Mười, qua khảo sát cho thấy, xe máy ngoại tỉnh ra vào Hà Nội hiện nay, có đến 80% là của sinh viên, cán bộ, công nhân viên tại các khu công nghiệp, có các chuyến đi, tần suất cố định về điểm đi, điểm đến. Đối với các trường hợp này, cần khuyến khích tham gia vận tải hành khách công cộng. Vì vậy, qua nghiên cứu chúng tôi mới đề xuất khoanh vùng vào các đối tượng đó.
“Hiện, số lượng sinh viên tại Hà Nội rất lớn. Chỉ cần 10 - 15% các em có xe máy tham gia giao thông vào giờ cao điểm sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, một lượng rất đông cán bộ, công nhân viên tại các khu công nghiệp đi ra sẽ gây áp lực lớn cho giao thông vào giờ cao điểm. Thực tế, việc cấm xe máy ngoại tỉnh như trên là kinh nghiệm đã được thực hiện rất thành công tại Trung Quốc. Đây được coi là tiền đề để tiến tới hạn chế xe máy, theo tôi là phương án rất khả thi”, ông Mười nói.
Về lộ trình thực hiện, theo ông Mười, sau khi xem xét, cân nhắc, Ban soạn thảo dự kiến kiến nghị áp dụng hình thức này từ năm 2025 - 2030.