Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội thúc tiến độ xây dựng chợ, công viên, vườn hoa nhà máy xử lý nước thải
Minh Thắng - 21/04/2023 22:32
 
Chiều 21/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình số 03 là một trong 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành uỷ khoá XVII, với 19 chỉ tiêu, 6 nhóm giải pháp trọng tâm, 56 nhiệm vụ cụ thể và 41 dự án, công trình trọng điểm. 

Triển khai hiệu quả một số các dự án, công trình trọng điểm chậm nhiều năm

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo bài bản, khoa học từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đồng thời, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo sự công khai, minh bạch; tăng cường sự giám sát, tạo đồng thuận trong nhân dân Thủ đô. 

Các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án của Chương trình đã có chuyển biến về nhận thức, đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. 

Một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng làm cơ sở để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. 

Bước đầu triển khai có hiệu quả một số các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có những dự án chậm nhiều năm như: Hoàn thành dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, đường Vành đai 2 trên cao; Khởi công và triển khai các dự án: Cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6: đoạn Ba La - Xuân Mai…

Hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình được triển khai bài bản, khoa học, sâu sát, hiệu quả với nhiều cách làm đổi mới từ việc xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát. 

Ban Chỉ đạo Chương trình đã duy trì tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng quý, năm và các cuộc họp đột xuất với các đơn vị để rà soát kết quả thực hiện, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. 

Ban Chỉ đạo tổ chức ký Cam kết thi đua giữa các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý dự án chuyên ngành của Thành phố về thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình. Đổi mới phương pháp theo dõi, tổng hợp, xây dựng Bảng, Biểu tổng hợp theo dõi tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó, có phân khai rõ các công trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị cùng với tiến độ khởi công, hoàn thành, nguồn vốn, chủ đầu tư

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện triển khai các đơn vị thực hiện như 2 đoàn kiểm tra để tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình tại 8 đơn vị (Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Công Thương; Quận ủy: Ba Đình, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai). 

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện một số dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải, giao thông (Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; kiểm tra tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…). 

Qua việc tổ chức kiểm tra, Ban Chỉ đạo đã kịp thời đánh giá được tình hình, đồng thời, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, giải quyết các kiến nghị, đề xuất khắc phục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình, nhiều sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương và có những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. 

Tiêu biểu, quận Hoàn Kiếm (Cải tạo vườn hoa; biệt thự cũ và các công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954); quận Hai Bà Trưng, Ba Đình (mở tuyến phố đi bộ; quận Hai Bà Trưng phối hợp Sở Xây dựng tạo không gian mở Công viên Thống Nhất đáp ứng nhu cầu của người dân); Sở Giao thông Vận tải đã có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm; Sở Xây dựng định kỳ giao ban hàng tuần đôn đốc các dự án đầu tư công được giao lập đề xuất chủ trương đầu tư…

Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình, đến nay, đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu; 14 chỉ tiêu triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ; 5 chỉ tiêu còn gặp nhiều khó khăn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Tại Hội nghị, đại diện các quận, huyện, sở, ngành đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả trong thời gian tới. 

Tăng cường đôn đốc các dự án chậm tiến độ 

Chương trình số 03 là một trong 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành uỷ khoá XVII, với 19 chỉ tiêu, 6 nhóm giải pháp trọng tâm, 56 nhiệm vụ cụ thể và 41 dự án, công trình trọng điểm. 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ngành chức năng tăng cường đôn đốc các dự án chậm tiến độ.

Đây là chương trình có nhiều nội dung mới, khó, phức tạp với các kết quả, sản phẩm cụ thể. Mục tiêu của Chương trình là bên cạnh việc phát triển đô thị phải đi đôi với việc chỉnh trang, tái thiết đô thị, đồng thời quan tâm phát triển kinh tế đô thị.  

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã rất quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, từ việc xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, thành lập Ban Chỉ đạo và tổ chức quán triệt, triển khai Chương trình. 

Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quản lý và phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại, nhất là thực hiện trong bối cảnh Thành phố và cả nước bị ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19 và nhiều khó khăn, thách thức. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Đơn cử, vẫn còn một số chỉ tiêu còn chậm triển khai thực hiện như: Đầu tư xây dựng chợ; hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý nước thải đô thị. 

Công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chương trình còn chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Việc soạn thảo, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình còn chậm dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu còn hạn chế; việc triển khai thực hiện các dự án thuộc danh mục các công trình ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 còn chưa đảm bảo tiến độ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu của chương trình…

Phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình đạt hiệu quả. 

Duy trì và tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, tổ chức giao ban thường kỳ giữa Ban chỉ đạo Chương trình với các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai để đảm bảo sự đồng bộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và các chỉ tiêu của Chương trình để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng. Qua đó, có thêm nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong việc chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị. 

Các đơn vị rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến hết nhiệm kỳ, nhất là tập trung vào các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ. 

Trước mắt, triển khai thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chậm tiến độ như: đầu tư xây dựng 20 chợ; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, bố trí nguồn vốn để thực hiện chỉ tiêu về hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin. Đánh giá tình hình thực hiện một số chỉ tiêu khó như: tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý nước thải đô thị,… để tìm giải pháp khắc phục.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các sở, ngành chức năng tăng cường đôn đốc các dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu của Chương trình như: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%; dự án thí điểm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội kéo dài tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng. 

Đồng thời, tập trung triển khai xây dựng và hoàn thành các cơ chế chính sách, các quy hoạch, chương trình, kế hoạch và đề án chưa hoàn thành; hoàn thiện các Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở, giai đoạn 2021-2025…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư