Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội xây dựng Nông thôn mới mang đặc trưng riêng của Thủ đô
Minh Thắng - 20/10/2022 18:36
 
Thành phố Hà Nội chủ trương xây dựng nông thôn mới hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có nhiều chỉ tiêu cao hơn so với quy định của Trung ương, mang đặc trưng riêng của Thủ đô.

“Ngôi sao sáng” trên bản đồ xây dựng nông thôn mới

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở một tầm mức mới.  

Đó là xây dựng theo hướng phát triển đô thị với quan điểm xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững...

.
Xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội gắn với tiến trình đô thị hóa. (Ảnh: Minh Thắng)

Với những chính sách hỗ trợ của Thành phố, các địa phương và sự hưởng ứng của nhân dân nên chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đang phát huy hiệu quả to lớn. 

Qua xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, thu nhập của người dân khu vực nông thôn được nâng cao, đường làng ngõ xóm khang trang, xanh, sạch, đẹp... Hiện nay, Thủ đô Hà Nội đang là “ngôi sao sáng” trên bản đồ xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội, hiện Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, Đan Phượng là huyện đi đầu thành phố về xây dựng Nông thôn mới, với 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Về xây dựng xã Nông thôn mới, thành phố có 382/382 xã (đạt 100%) đạt chuẩn Nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Hà Nội phấn đấu hết năm 2022 có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Ứng Hòa, Mỹ Đức và Ba Vì), đưa tổng số huyện, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của thành phố lên 100%. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm 25 xã. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn kiểu mẫu tăng thêm 15 xã.

Xây dựng Nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, không điểm kết thúc. Trong giai đoạn mới, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng như Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao về tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Để đáp ứng yêu cầu đó, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Quyết định 3098/QĐ-UBND, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, 60 chỉ tiêu, nhiều hơn 11 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 (49 chỉ tiêu). Trong đó có một số chỉ tiêu mới và một số chỉ tiêu Thành phố yêu cầu cao hơn, hoặc cụ thể so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử, về tiêu chí Giao thông, chỉ tiêu 2.3 và 2.4 của Hà Nội quy định cao hơn quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ tiêu chí của Thủ tướng quy định “Đường ngõ, xóm sạch” nhưng Hà Nội đặt yêu cầu “Đường ngõ, xóm được cứng hóa sạch”. 

Về đường trục chính nội đồng, Bộ tiêu chí của Chính phủ quy định “Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm” nhưng Thành phố Hà Nội yêu cầu thêm tiêu chí “được cứng hóa”.

Về tiêu chí Thủy lợi và phòng chống thiên tai, chỉ tiêu 3.1, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động của Thành phố quy định đạt từ 90% trở lên; cao hơn 10% so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ quy định (80%).

Về tiêu chí Trường học, Bộ tiêu chí của Thủ tướng quy định trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS; hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định. Nhưng, Thành phố Hà Nội yêu cầu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Về tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, Bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ quy định đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2. Trong khi, Hà Nội quy định đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ≥98%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; trung tâm học tập cộng đồng được đánh giá/xếp loại tốt. 

Xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình đô thị hóa

Bên cạnh đó, xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội còn gắn với tiến trình đô thị hóa, nên dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Không chỉ đáp ứng yêu cầu cao về tiêu chí, chất lượng tiêu chí mà trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, các địa phương còn phải chủ động giải quyết những vấn đề liên quan tới phát triển đô thị trong tương lai.

Để giải bài toán hài hòa giữa truyền thống và đương đại, giữa phát triển và gìn giữ môi trường… không đơn giản chỉ là kinh phí và quyết tâm, mà nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố mang nét riêng của Thủ đô.

Theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn hoặc cụ thể so với quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, tiêu chí Giao thông, Bộ tiêu chí của Chính phủ quy định đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết, Thành phố Hà Nội đặt thêm yêu cầu “đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa”. Bên cạnh đó, chỉ tiêu 2.3 của Thành phố quy định cao hơn 5% so với bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung cụm từ "bê tông hóa".

Về tiêu chí Điện, Thành phố Hà Nội cụ thể thêm 2 chỉ tiêu mới so với Thủ tướng chính phủ quy định gồm: Tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định; Xây dựng kế hoạch bảo trì, nâng cấp hệ thống lưới điện hàng năm.

Về tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu 5.1 của Hà Nội quy định: Tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS) trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trong khi đó, Bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ quy định: Tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học cao nhất là THCS) đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.

Về tiêu chí Nhà ở dân cư, quy định của Thành phố Hà Nội cao hơn 5% so với giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định: ≥95%. Giai đoạn 2021 – 2025 quy định tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố: 100%.

Một trong những tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn 2016 – 2020 là chất lượng môi trường sống. Trong đó, chỉ tiêu 18.7 quy định của Thành phố cao hơn 5% so với giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ có nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu an toàn và đảm bảo 3 sạch đạt 100%.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho hay, mục tiêu xuyên suốt của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bởi thế, Thành ủy Hà Nội xác định việc xây dựng nông thôn mới song song với việc xây dựng xã thành phường, huyện thành quận.

Việc Thành phố Hà Nội quy định nhiều tiêu chí yêu cầu cao hơn so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của Chính phủ nhằm sát với thực tế phát triển xã đạt tiêu chí phường, hạn chế tối đa những bất cập do quá trình đô thị hóa nhanh của giai đoạn trước.

Xây dựng nông thôn mới tại Thủ đô không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế… mà còn hài hòa với lưu giữ không gian, nếp sống làng quê, bảo tồn di sản nghìn năm văn hiến. Do đó, thành phố Hà Nội xác định rõ, xây dựng nông thôn mới Thủ đô phải mang bản sắc riêng.

Do đó, Bộ Tiêu chí xã Nông thôn mới theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND nêu rõ: Tiêu chí bắt buộc để đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu là phải có mô hình thôn thông minh. Đây là một tiêu chí khó nhưng cũng là hướng phát triển phù hợp xu thế thời đại, góp phần tạo bản sắc riêng cho nông thôn mới Hà Nội.

Đối với tiêu chí này, hiện thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, xây dựng hướng dẫn để giúp các địa phương triển khai thực hiện. Hà Nội sẽ bám sát mục tiêu đô thị hóa để có hướng đi mới, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại. Trong đó, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng số hóa trong phát triển để xây dựng nông thôn hiện đại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư