Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hạ tầng kém, ĐBSCL khó thu hút vốn FDI
Hữu Phúc - 23/04/2017 09:40
 
Mặc dù Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc hạng khá tốt, song thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa hiệu quả bởi nhiều nút thắt như hạ tầng kém, chất lượng lao động thấp…
TIN LIÊN QUAN

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ cho biết, trong những năm qua, trên bình diện tổng thể, PCI ở khu vực ĐBSCL là khá tốt. Đặc biệt, liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2016, ĐBSCL luôn dẫn đầu cả nước về một số chỉ số thành phần như tiếp cận đất đai thuận lợi; thủ tục hành chính nhanh chóng; doanh nghiệp ít phải trả chi phí không chính thức; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân; doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường pháp lý an toàn hơn; ĐBSCL luôn đứng đầu về tính năng động, tiên phong của chính quyền.

.
.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, vì sao thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL không tương ứng với PCI của vùng? Ngoại trừ Long An thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tốt nhờ lợi thế tiếp giáp với TP.HCM, các tỉnh còn lại thu hút được rất ít dự án FDI và thấp xa so với mặt bằng chung cả nước.

Ông Võ Hùng Dũng cho rằng, PCI không quyết định tất cả, mà kết quả thu hút đầu tư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như lợi thế về vị trí địa lý và kết cấu hạ tầng tốt, nhất là hạ tầng giao thông, khả năng kết nối các thị trường...

“Hạ tầng giao thông ĐBSCL thời gian qua cải thiện rất chậm. Sau khi khánh thành cầu Mỹ Thuận, phải mất 10 năm sau mới có cầu Cần Thơ và dự kiến sẽ mất thêm 10 năm nữa mới có đường cao tốc đoạn Trung Lương - Cần Thơ. Chính sự trì trệ về kết cấu hạ tầng khiến thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thừa nhận rằng, do vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, kết cấu hạ tầng hạn chế, nên tỉnh này khó thu hút đầu tư. Do đó, tỉnh xác định phải “bù” bằng mọi cách qua việc làm tất cả để hỗ trợ nhà đầu tư.

Minh chứng cho nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư, ông Nưng cho biết, khi doanh nghiệp đến làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về các vấn đề liên quan đến kinh doanh, đầu tư, chỉ 15 phút sau buổi làm việc là nhận ngay thông báo kết luận của UBND tỉnh.

Do đặc điểm tự nhiên đất hẹp, người đông, mật độ cư dân sinh sống đông đúc, công trình, nhà cửa, vật kiến trúc dày đặc, nên mỗi khi đụng đến giải phóng mặt bằng ở vùng ĐBSCL là rất khó khăn, với thời gian kéo dài, chi phí đền bù cao, làm nản lòng nhà đầu tư.

Ông Lê Văn Nưng cho biết, hiện nay ở tỉnh An Giang, bình quân chi phí đền bù cho 1 ha đất là 18 tỷ đồng. Do ngân sách hạn hẹp, địa phương này khuyến khích doanh nghiệp tạo quỹ đất để xây dựng nhà xưởng bằng việc doanh nghiệp tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Như vậy, ngoài khoản đầu tư khá lớn này, doanh nghiệp còn phải mất thêm chi phí thuê lại Nhà nước chính mảnh đất mà mình đã được cấp quyền sử dụng qua việc tự tạo quỹ đất. Theo ông Nưng, đây là sự bất cập lớn về chính sách đất đai của nước ta hiện nay.

Ngoài ra, một hạn chế nữa ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vùng ĐBSCL là chất lượng lao động của các địa phương trong vùng còn thấp, thấp hơn cả vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Có thể nói, đây là điểm yếu “cốt tử” của vùng này, vốn đã kéo dài triền miên qua nhiều năm, nhưng vẫn chưa được cải thiện.

Theo báo cáo PCI năm 2016, ĐBSCL có 8 tỉnh nằm trong tốp thấp nhất cả nước về đào tạo lao động, hầu hết các nhóm doanh nghiệp đều chưa hài lòng về chất lượng lao động của các địa phương trong vùng.

Theo số liệu tổng hợp của VCCI Cần Thơ, trong quý I/2017, toàn vùng ĐBSCL chỉ thu hút được 27 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 103 triệu USD, chiếm 5,5% tổng số dự án và 3,55% vốn đăng ký của cả nước, chỉ đạt 21,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư