Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hạ tầng, niềm tự hào của Đà Nẵng
Hà Minh - 29/03/2016 13:17
 
Hình ảnh những con đường mòn bụi tung mù mịt, những khu nhà chồ nhếch nhác, nhà cửa ẩm thấp… đã lùi dần vào dĩ vãng của Đà Nẵng. Người Đà Nẵng hôm nay tự hào về hạ tầng khang trang, hiện đại, sạch sẽ, yên bình và lãng mạn.

Buổi chiều những ngày trung tuần tháng 3, Đà Nẵng se lạnh, hanh hao nắng. Tại quán cà phê cóc dưới tán cây xanh ven đường, câu chuyện về quy hoạch TP. Đà Nẵng những ngày đầu mới tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng của kiến trúc sư Nguyễn Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP. Đà Nẵng giai đoạn 2000 - 2005, hiện là Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Đà Nẵng cùng tôi cứ chầm chậm quay về, đôi lúc ngắt khúc rồi lại được nối dài thêm, rộng lớn ra như những con đường mới mở, khu dân cư khang trang, tòa nhà hiện đại...

Đó là những năm tháng mà Thành phố chuyển mình mạnh mẽ nhất, với những đồ án, dự án quy hoạch hạ tầng, chỉnh trang đô thị đồ sộ, sôi nổi. Ông Huy thừa nhận, đó là những ngày cả hệ thống chính trị của Đà Nẵng đã quyết tâm “xé rào” để thực hiện quy hoạch Thành phố một cách bài bản.

Phát triển hạ tầng tại Đà Nẵng đã trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương học tập
Phát triển hạ tầng tại Đà Nẵng đã trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương học tập

Lần “xé rào” thứ nhất được ông Huy gọi là “quy trình ngược” trong quy hoạch. Ông lý giải, thông thường, khi triển khai dự án, phải lập thủ tục trình ngành chức năng phê duyệt thiết kế, dự toán kinh phí... rồi mới triển khai. Nhưng tại thời điểm đó, Đà Nẵng làm ngược lại, tức là triển khai dự án trước, bổ sung thủ tục sau. Nhờ vậy, trong 1 năm, Đà Nẵng hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2000, hơn 700 đồ án quy hoạch chi tiết về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông... đã ra đời.

“Các đồng nghiệp kinh ngạc và không thể nào tin nổi khi tôi báo cáo thành tích tại Hội nghị ngành xây dựng toàn quốc tại Vũng Tàu năm 2005. Vậy nên, sau đó, họ liên tục “kéo quân” đến Đà Nẵng để được mục sở thị và cũng là để tham quan, học hỏi những sáng kiến quy hoạch từ Đà Nẵng”, ông Huy cho biết.

Có lẽ, từ sự “thần tốc” đó mà chính những người trong cuộc hồ nghi. Sau 2 trục đường xương sống trung tâm Thành phố là Nguyễn Văn Linh và Hàm Nghi được quy hoạch, xây dựng, Đà Nẵng tiếp tục làm các tuyến đường mang tính đột phá như Bạch Đằng Tây lấn sông Hàn, Liên Chiểu - Thuận Phước (nay là Nguyễn Tất Thành) lấn biển và đường Núi Thành nối dài để sắp xếp lại các khu dân cư cho đô thị mới Hòa Cường.

“Ở những dự án này, hơn 90% thành viên Ban Thường vụ Thành ủy lúc đó không đồng tình, vì cho là quy hoạch quá nóng vội”, ông Huy cho biết.

Bản thân ông Huy và cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (lúc đó là Chủ tịch Thành phố) đã bảo vệ luận cứ Dự án và hiệu quả kinh tế - xã hội khi hoàn thành trước Ban Thường vụ Thành ủy. Với những lời lẽ thuyết phục, Ban Thường vụ Thành ủy sau đó đã thông qua các dự án này.

Cũng hơn 10 năm trước, một “lỗ rào” to bị xé ở Đà Nẵng là trong quá trình thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng” nhằm thu hút các nhà đầu tư, khi đấu thầu đất hai bên đường dự kiến xây dựng theo quy hoạch, Đà Nẵng đã áp dụng phương thức thanh toán đầu kỳ với giá chiết khấu 10%.... Việc này đem lại lợi ích rất lớn, khi thu hút được lượng lớn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân, khiến tăng trưởng GDP của Đà Nẵng cao nhất nước.

Một người đã song hành suốt chiều dài tiến trình phát triển của Thành phố cùng những đồ án quy hoạch tổng thể và chi tiết là ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Ngay từ khi Đà Nẵng tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) năm 1997, ông Tuấn là Viện trưởng Viện Quy hoạch Đà Nẵng, rồi Phó giám đốc, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng. Là kiến trúc sư, nên những phương án quy hoạch về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông (đường bộ, đường biển hay đường hàng không) của TP. Đà Nẵng khi được các sở, ban, ngành, các đơn vị tư vấn quy hoạch trong và ngoài nước báo cáo, ông đều chăm chú lắng nghe, quan sát. Chính vì vậy, khi những phương án quy hoạch đưa ra để báo cáo UBND Thành phố, chỉ cần nghe qua thuyết minh, ông bắt bài được ngay những khiếm khuyết và chỉ đạo bổ sung chuẩn xác để các đơn vị triển khai.

Gần đây nhất, khi tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) đến Đà Nẵng hỗ trợ quy hoạch di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị, sau khi xem các sơ đồ phác thảo quy hoạch, nhận thấy tư vấn quá chú trọng việc tái phát triển tuyến đường sắt trong trung tâm nội đô mà “quên” mất đoạn đường sắt dẫn từ chân đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu) vào đến cầu vượt ngã Ba Huế dài hơn 10 km. Ông Tuấn đề nghị tư vấn đưa đoạn đường sắt đó vào quy hoạch tổng thể để giúp Đà Nẵng quy hoạch hoàn thiện 1 lần. Đề nghị của ông được tư vấn WB ghi nhận và bổ sung ngay tại cuộc họp.

Trong những lần họp bàn về điểm nhấn kiến trúc đô thị, ông Tuấn tự hào rằng, Đà Nẵng bây giờ đã được các tổ chức quốc tế công nhận là thành phố phong cảnh, thành phố môi trường, thành phố thông minh… Nhiều đồ án quy hoạch, công trình kiến trúc được các hội ngành nghề quốc tế công nhận và trao thưởng, như quy hoạch bán đảo Sơn Trà, thiết kế kiến trúc cầu Rồng…

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định: “Đà Nẵng là đô thị thực hiện có hiệu quả đồ án quy hoạch phát triển. Thành phố ven biển miền Trung này thực hiện có chất lượng và có tầm nhìn ở đồ án quy hoạch chung, triển khai có ý tưởng rành mạch về các phân khu chức năng quy hoạch chi tiết”.

Nhiều kiến trúc sư đầu ngành khi đến với Đà Nẵng có chung thừa nhận rằng, Đà Nẵng trong những năm qua đã chứng minh sự đúng đắn, tính hoàn chỉnh thực tiễn của quy hoạch chung và quy hoạch đó đã đem lại bộ mặt đô thị mới, cuộc sống mới cho cư dân.

Để Đà Nẵng tiếp tục phát huy sáng tạo, thành quả đã đạt được, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, ngoài tính chất là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, đầu mối giao thông và có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, Đà Nẵng còn được xác định là đô thị du lịch. Đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên; tầm nhìn đến năm 2050 là trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững.

Đà Nẵng xứng đáng với danh hiệu “thành phố đáng sống”
Danh hiệu “Đà Nẵng - Thành phố đáng sống” là phần thưởng cao quý mà bạn bè, du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Đà Nẵng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư