Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Hà Tĩnh: Chi 34 tỷ đồng hỗ trợ nông dân mất mùa vụ Xuân 2017
Phượng Nguyễn - 15/07/2017 12:22
 
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Quyết định số 1933/QĐ-UBND, về việc “Cấp ứng kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất lúa vụ Xuân năm 2017”.
.
Quá trình triển khai sản xuất, công tác vận hành bộ máy của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn còn chưa hiệu quả, bị động

UBND Hà Tĩnh giao Sở Tài chính tạm ứng gần 34 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2017 cấp cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất vụ Xuân 2017, giao Sở NN&PTNN rà soát số liệu thiệt hại, giám sát, chỉ đạo các địa phương thực hiện. Đồng thời, làm việc với bộ ngành để đề nghị hỗ trợ nguồn ngân sách TƯ và thực hiện hoàn ứng theo quy định...

Tính đến cuối mùa gặt hái vụ Xuân 2017, toàn tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích bị thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông xảy ra là 21.500 ha, trong đó diện tích Thiên ưu 8 chiếm đến gần 18.000 ha. Thiệt hại hơn 11 vạn tấn lương thực (giá trị gần 700 tỷ đồng). Đây được coi là con số chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp tại Hà Tĩnh.

Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 4 diễn ra từ ngày 13 – 15/7, vụ mất mùa lịch sử vì đạo ôn cổ bông xảy ra đối với giống lúa Thiên ưu 8 là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi. Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho biết, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng nông nghiệp giảm 3,4%, nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất vụ lúa Xuân 2017 bị thiệt hại nặng.

Giải trình tại phiên chất vấn của các đại biểu tham dự, ông Nguyễn Văn Việt cho hay, nguyên nhân khách quan  dẫn đến việc dịch bệnh đạo ôn bùng phát là do diễn biến phức tạp của thời tiết. Một phần nữa là do yếu tố canh tác của bà con nông dân, qua nhiều năm sản xuất giống lúa Thiên ưu 8 cho thấy đây là giống có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, cơ bản kháng được nhiều đối tượng sâu bệnh nên bà con còn chủ quan trong việc phòng trừ sâu bệnh.

.
Vụ Xuân 2017, toàn tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại hơn 11 vạn tấn lương thực với giá trị vào khoảng gần 700 tỷ đồng

Cũng theo ông Việt, giống lúa Thiên ưu 8 mới được đưa vào cơ cấu sản xuất từ năm 2015, tuy nhiên việc mở rộng diện tích sản xuất quá nhanh là do nhu cầu của người dân, đồng thời có phần trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ cấu giống của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh. “Bên cạnh đó, cũng có một phần trách nhiệm của ngành và các địa phương có phần chủ quan trong công tác chỉ đạo sản xuất, đã không thường kiểm tra, xử lý kịp thời nên mới xảy ra sự cố này.” Giám đốc Sở NN&PTNT thẳng thắn nhận lỗi.

Trước phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, quá trình triển khai sản xuất, công tác vận hành bộ máy của ngành nông nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả, công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo sơ sài. Đặc biệt, khi xảy ra sự việc, ngành còn bị động, thậm chí né tránh, đùn đẩy. Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi xảy ra sự việc, song song đó cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nông dân để họ yên tâm sản xuất.

Lo cho xuất khẩu lúa gạo
Sự suy giảm tiếp diễn cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2017 đang báo hiệu một năm khó khăn nữa với xuất khẩu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư