Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
Hai điểm cần cân nhắc khi nhắm cổ phiếu “tân binh” KLF
Chí Tín - 02/10/2013 07:03
 
“Sức trẻ” của một doanh nghiệp đang tăng trưởng là lợi thế của cổ phiếu KLF của Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế FLC (FLC Global), nhưng tính đại chúng chưa cao và hoạt động có phần dàn trải là những yếu tố mà nhà đầu tư cần cân nhắc khi đầu tư cổ phiếu này.

Tuy là “tân binh”, nhưng cổ phiếu KLF đã có sức bật khá mạnh từ khi niêm yết đến nay. Ngay phiên chào sàn, KLF đã tăng kịch trần, lên mức 13.600 đồng/cổ phiếu, tăng trên 3.000 đồng so với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.

KLF có “sức trẻ” của một doanh nghiệp đang tăng trưởng, nhưng tính
đại chúng chưa cao và hoạt động có phần dàn trải

Trong các phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh và hiện ở mức 19.900 đồng/cổ phiếu.

FLC Global có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, hoạt động trong 3 ngành nghề chính là thương mại, dịch vụ và đầu tư. Lĩnh vực thương mại hàng hóa hiện là thế mạnh của FLC Global, chiếm tới 86% tổng doanh thu của Công ty trong năm 2012.

Trong thời gian tới, FLC Global dự kiến sẽ chú trọng đẩy mạnh xuất nhập khẩu, với mặt hàng chủ yếu là thiết bị học tập, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế…

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ tuy không mang lại doanh thu cao như mảng thương mại, nhưng lại là mảng kinh doanh đem lại hình ảnh của KLF trong thời gian vừa qua.

FLC Global hiện quản lý và khai thác 2 sân tập golf tại khu vực phía Tây Hà Nội. Trong đó, sân Golfnet 2 tại Khu liên hiệp Thể thao quốc gia Mỹ Đình là sân tập golf có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Ngoài 2 sân tập golf, từ tháng 2/2013, FLC Global đã đầu tư vào Dự án Khu thể thao - giải trí đa chức năng tại Vĩnh Phúc (thông qua Công ty cổ phần FLC Travel) để mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí, bao gồm sân golf mini, hồ bơi, khu vui chơi giải trí trẻ em… FLC Global dự kiến sẽ phát triển mạng lưới tập golf tại các thành phố lớn, như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Ngoài các dịch vụ liên quan đến sân tập golf, FLC Global còn hoạt nhiều mảng kinh doanh dịch vụ khác như du lịch lữ hành, tư vấn đào tạo và du học, kinh doanh nhà hàng…

Theo ông Lê Thanh Dương, Tổng giám đốc FLC Global, hiện tại, thương mại dịch vụ vẫn là các hoạt động kinh doanh chủ đạo của Công ty, nhưng trong tương lai, Công ty sẽ tăng dần tỷ trọng hoạt động đầu tư.

Trong mảng kinh doanh bất động sản, FLC Global hiện sở hữu 99,13% cổ phần tại Công ty TNHH Hải Châu. Hải Châu đang sở hữu 3.831 m2 đất tại đường Mê Linh, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Công ty TNHH Hải Châu đang có kế hoạch mở rộng diện tích đất lên 9.531 m2 để đầu tư Dự án Trung tâm thương mại và văn phòng FLC Tower. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công trong quý IV này, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

FLC Global cũng đang có một số dự án khác, như Nhà máy cán thép tại Myanmar và Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trong đó, Dự án Nhà máy cán thép tại Myanmar có tổng mức đầu tư dự kiến là 20 triệu USD, công suất 300.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu là các loại thép phục vụ các công trình dân dụng và công nghiệp. Dự án này đang trong quá trình xin cấp phép và giới thiệu địa điểm. Còn Dự án Nhà máy sản xuất đồ gỗ tại Vĩnh Phúc đã được cấp phép và đang trong quá trình xây dựng, với tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng.

Đánh giá về tiềm năng của cổ phiếu KLF, ông Phạm Ngọc Bách, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, FLC Global có lợi thế về khả năng thanh toán tốt do vay nợ ít. Ngoài ra, Công ty còn có cơ cấu nhân sự gọn, nên chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ thấp.

Tuy nhiên, ông Bách cũng cho rằng, đây là công ty mới thành lập, nên tính đại chúng chưa cao. Ngoài ra, hoạt động dàn trải và các dự án chưa tạo ra dòng tiền trong ngắn hạn… cũng là những nhược điểm của cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại.

Tập đoàn FLC: Thương hiệu mẹ như một cái ô
 Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Tập đoàn chia sẻ về định hướng phát triển thương hiệu của Tập đoàn FLC, sau khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư