Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hai dự án trọng điểm ngành thủy sản của Quảng Ninh giờ ra sao
Thu Lê - 15/02/2019 14:07
 
Với tổng mức đầu tư của 2 dự án lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) và Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà đang được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và đốc thúc tiến độ.

Ngay sau dịp nghỉ tết Nguyên đán 2019, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp việc thực hiện Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà và Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Việt Hoa.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Việt Hoa.

Tại cuộc họp này, theo thông tin ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh (NN&PTNT) báo cáo, Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà đã được khởi động từ năm 2018, trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, của Tập đoàn Việt - Úc. Vốn khái toán đầu tư là 858 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 231 tỷ đồng (chiếm 26%), vốn của doanh nghiệp 627 tỷ đồng (74%).

Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính và đặc biệt là chức năng định hướng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô rộng 169,5ha và gồm 6 phân khu chính. Tiến độ thực hiện theo 2 giai đoạn: 2018-2020 và 2021-2022.

Hiện nay, Tập đoàn Việt - Úc đang triển khai giai đoạn 1, dự kiến đến cuối tháng 3/2019 sẽ cho ra mẻ tôm giống đầu tiên. Chính sách áp dụng cho đề án theo quy định trong Luật Công nghệ cao và Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Một phần hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Ảnh: Việt Hoa.
Một phần hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Ảnh: Việt Hoa.

Ông Giang cho biết, Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà đã lấy ý kiến của các đơn vị, sở, ngành liên quan; Sở NN&PTNT đã tiếp thu, bổ sung đầy đủ. Ngày 21/01/2019, Sở NN&PTNT cũng đã có tờ trình số 232 gửi UBND tỉnh về việc đề nghị phê duyệt đề án.

Còn đối với dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn), sau khi được khởi công tháng vào 6/2016, đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng thi công. Dự án này có quy mô 307,6ha, (bao gồm: 7,6ha mặt đất và 300ha mặt nước), với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương 104 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 38,2 tỷ đồng, vốn huy động 62,3 tỷ đồng) để sản xuất giống nhuyễn thể công suất từ 1,5 tỷ con giống/năm trở lên.

Để phát huy hiệu quả của dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể này, từ cuối năm 2018 Sở NN&PTNT đã chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư sản xuất và quản lý vận hành hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn. Cụ thể, từ tháng 10/2018 đơn vị đã xây dựng và trình thẩm định báo cáo tiền khả thi; tháng 01/2019 quyết định chủ trương đầu tư và công bố dự án. Dự kiến, tháng 4/2019 thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để đến tháng 6/2019 có thể phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trên cơ sở này, 8/2019 tỉnh sẽ công bố đấu thầu, nhận hồ sơ thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát, đẩy nhanh tiến độ các phần việc theo yêu cầu công việc Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Sở cũng phải phối hợp chặt chẽ và bám sát tiến độ sản xuất của Tập đoàn Việt - Úc để giám sát và thực hiện đánh giá tác động môi trường, đảm bảo kế hoạch sản xuất thành công mẻ giống đầu tiên đúng kế hoạch đề ra. Song song với đó, phải làm việc với các đơn vị, địa phương trong huyện về nhu cầu giống. Trước mắt, mẻ giống đầu tiên sẽ cấp cho huyện Đầm Hà.

Về phần dự án đầu tư sản xuất và quản lý vận hành hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn, ông Hậu giao Sở NN&PTNT sớm hoàn thiện phần đầu tư mặt bằng; trình Bộ NN&PTNT đẩy nhanh phần quyết toán công trình để làm cơ sở mời đơn vị kiểm toán về làm việc độc lập. Trên cơ sở đó, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai phần mời thầu, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng thực hiện dự án phát triển các giống thủy sản, trong đó trọng tâm là giống nhuyễn thể.

Chia sẻ thêm với Baodautu.vn, ông Giang cho hay, theo Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt ngày 15/12/2016, mục tiêu phát triển ngành thủy sản của Quảng Ninh là phải toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản, theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung; phải chủ động trong sản xuất giống chất lượng cao; nuôi trồng các đối tượng chủ lực theo vùng tập trung, thâm canh gắn với phát triển hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại…. “Việc thực hiện 2 dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản này là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà quy hoạch đã đề ra”, ông Giang chia sẻ.

An Giang: Khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản 4.000 tỉ đồng
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú với tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng được Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư