Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hải Dương: Doanh nghiệp cần chính quyền năng động
Khánh An - 25/06/2014 13:13
 
() Ví trí thứ 41 của Hải Dương trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) năm 2013 chứng tỏ dư địa để tỉnh này bứt phá còn rất lớn và doanh nghiệp cũng đòi hỏi chính quyền tỉnh cần năng động hơn.
TIN LIÊN QUAN

Thực ra, sự thụt lùi của Hải Dương trong bảng xếp hạng PCI năm 2013 là điều đáng ngạc nhiên. Nhất là khi các doanh nghiệp vẫn nhìn nhận, trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Hải Dương là một trong số 10 địa phương có lợi thế nhất về cơ sở hạ tầng.

  Hải Dương: Doanh nghiệp cần chính quyền năng động  
  Hải Dương là một trong số 10 địa phương có lợi thế nhất về cơ sở hạ tầng  

Trong chỉ số về cơ sở hạ tầng được khảo sát song song với PCI, Hải Dương được các doanh nghiệp đánh giá khá cao về tình trạng sẵn có và chất lượng của khu công nghiệp, đường giao thông, các dịch vụ công cộng và khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

Mặc dù các chuyên gia thực hiện khảo sát PCI khuyến nghị rằng, chỉ số về cơ sở hạ tầng chỉ mang tính thông tin thêm cho các nhà đầu tư cũng như cho các chính quyền địa phương, song với các nhà đầu tư, đây lại là yếu tố đóng vai trò gần như quyết định việc lựa chọn địa điểm đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn địa điểm đầu tư theo chuỗi liên kết. “Các địa phương nằm trong vùng hoạt động của những doanh nghiệp đầu tàu sẽ đương nhiên có lợi thế hơn cả”, bà Tuệ Anh phân tích.

Trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội sẽ tập trung phát triển những ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao; Quảng Ninh xây dựng ba cụm liên kết (gồm khai khoáng, du lịch và dịch vụ cảng biển) trong liên kết chặt chẽ với Hải Phòng, địa phương có lợi thế tuyệt đối về dịch vụ cảng và vận tải biển…

“Hưng Yên, Hải Dương phát triển các dịch vụ mũi nhọn, gồm dịch vụ vận chuyển - kho bãi - logistics - dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, khoa học - công nghệ… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ tìm tới đây trong kế hoạch kinh doanh theo chuỗi liên kết của mình”, bà Tuệ Anh nói.

Như vậy, mức điểm trung bình mà các doanh nghiệp chấm cho Hải Dương là điều phải bàn chi tiết. Hơn thế, nhìn lại cả giai đoạn từ năm 2007 đến nay, thì năm 2013 là năm Hải Dương bị xếp hạng thấp nhất, ở vị trí 41 trong 63 tỉnh, thành phố; thấp hơn cả mức trung bình của năm 2007 (vị trí 36).

Phân tích các chỉ số thành phần của PCI, các chuyên gia thực hiện khảo sát chỉ rõ, nguyên nhân sự thụt lùi của Hải Dương trong PCI 2013 chính là sự chậm cải thiện về chi phí không chính thức, chi phí thời gian. Tính từ năm 2011 đến 2013, tính minh bạch đã “giậm chân tại chỗ” trong 3 năm liên tiếp; tính năng động của chính quyền địa phương - một trong những chỉ số thành phần được đặt trọng số cao, cũng có nhúc nhích, nhưng không đáng kể.

Cho dù hai chỉ số (là thiết chế pháp lý và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp) của Hải Dương có sự cải thiện lớn, song cũng không đủ để duy trì vị trí khá của Hải Dương trong bảng xếp hạng PCI.

Cũng phải nói thêm rằng, trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương đứng ở vị trí khá khiêm tốn (9/11 tỉnh, thành phố), chỉ trên có Nam Định và Hưng Yên. Trong khi đó, trong bảng xếp hạng PCI năm 2012 của Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nội và Hà Nam đều xếp sau Hải Dương.

Nếu so với 2 địa phương đứng đầu Vùng là Quảng Ninh và Bắc Ninh, 2 tỉnh có xếp hạng rất tốt và tốt của Vùng, thì khoảng doãng về cải thiện các chỉ số thành phần PCI của Hải Dương có vẻ tăng hơn.

Rõ ràng, thách thức mà Hải Dương đang đối mặt còn là tốc độ cải thiện mạnh mẽ hơn của các địa phương lân cận…

Ý kiến - Nhận định

Mong muốn Việt Nam có chính sách đơn giản hơn nữa…

   
  Ông Hachiro Kondo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Máy Brother Việt Nam  

Để thu hút đầu tư, tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam có những chính sách, chế độ đơn giản hơn nữa trong việc quản lý xuất nhập cảnh cho người nước ngoài vào làm việc ngắn hạn tại Việt Nam, cũng như thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nhanh chóng, gọn nhẹ hơn nữa.

Hiện tại, tôi thấy hồ sơ xin phép cho đối tượng trên khá phức tạp. Nếu như Chính phủ có những chính sách ưu đãi tốt hơn đối với những người nước ngoài không có bằng cấp cao, nhưng có chuyên môn, kỹ thuật lành nghề vào Việt Nam để đào tạo kỹ thuật, thì đối tượng này sẽ góp phần nâng cao hơn năng lực của lao động Việt Nam.

Những doanh nghiệp yêu cầu công nghệ cao, như Công ty chúng tôi cần những chuyên gia, kỹ thuật viên nước ngoài sang xử lý gấp khi máy móc xảy ra sự cố, cho nên, nếu việc xin nhập cảnh vào Việt Nam được nhanh chóng và thuận lợi hơn, thì năng suất của Công ty chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn.

Lấy một ví dụ điển hình, chúng tôi cũng muốn mua trực tiếp các linh, phụ kiện sản xuất tại Việt Nam, nhưng hiện tại, chúng tôi chưa thể mua toàn bộ linh kiện của các nhà cung cấp Việt Nam (do giá cao, không được sản xuất trên máy móc chuyên dụng nên chưa đáp ứng yêu cầu...) . Vì thế, Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách đầu tư tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ, mạ, gia công cơ khí chính xác...

Theo tôi, nếu cải thiện được những vấn đề trên, thì Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, điển hình như công ty chúng tôi mở rộng được nhiều lĩnh vực sản xuất hơn ở Việt Nam. Công ty chúng tôi quyết định tăng vốn đầu tư do quy mô mở rộng, chủng loại sản phẩm tăng và để xây dựng khu nhà xưởng gia công thân máy khâu tại Việt Nam.

 

Cải thiện môi trường đầu tư đã trở thành vấn đề cấp thiết của Hải Dương…

   
  Ông Vương Đức Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương  

Thực tiễn những năm qua cho thấy, môi trường đầu tư của Hải Dương đã được cải thiện một bước, góp phần thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Hải Dương đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư hoạt động.

Cụ thể, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các DN  đã được rút ngắn hơn nhiều so với trước (mức xếp hạng đối với yếu tố chi phí gia nhập thị trường của các DN khi đầu tư vào Hải Dương có tiến bộ lớn, tăng 36 bậc, từ thứ hạng 55/63 tỉnh, thành năm 2012, lên thứ hạng 19/63 năm 2013).

Trong giai đoạn 2011 - 2013, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 61.212 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội, đạt mức tăng trưởng bình quân 4,16%/năm.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào Hải Dương còn bộc lộ một số hạn chế.

Chẳng hạn, còn có không ít vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; việc sử dụng các nguồn lực đầu tư còn dàn trải, lãng phí; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư chưa cao...

Trong các năm qua, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương thường ở mức không cao, dù có xu hướng giảm, song vẫn chưa được cải thiện nhiều. Đã có dấu hiệu tụt giảm tương đối so với một số tỉnh trong khu vực (năm 2013, Chỉ số PCI của Hải Dương đứng thứ 41 trong Bảng tổng sắp, giảm so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Hồng).

Rõ ràng, Hải Dương chưa tạo ra được bước chuyển biến mạnh trong việc hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế trên cho thấy, việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức hút đầu tư của địa phương với các DN trong và ngoài nước đã trở thành vấn đề cấp thiết của Hải Dương.

Chỉ có làm được như vậy thì Hải Dương mới thực hiện được chủ trương trong thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư