Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hải Dương mở rộng vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế
Thanh Sơn - 21/04/2020 11:45
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch mở rộng vùng vải, nhãn xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế và kết nối tiêu thụ vải năm 2020 tại huyện Thanh Hà. Theo đó, Tỉnh đang dự kiến xây dựng 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích 220 ha.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo dừng tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2020. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho vụ vải 2020, tỉnh vẫn tiếp tục chủ động giám sát chặt vùng trồng và tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ vải. Các vùng trồng này đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Địa điểm triển khai tại các xã trồng vải, nhãn tập trung của huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, đối với riêng huyện Thanh Hà, từ năm 2015, huyện đã xây dựng kế hoạch và đã có 9 vùng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU với diện tích 92 ha tại xã Thanh Quang, Thanh Thuỷ, Thanh Xá, Thanh Khê. Năm nay, huyện tiếp tục được cấp mới 8 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích trên 60 ha tại các xã Thanh Quang, Thanh Xá, Thanh Sơn và bổ sung thị trường Nhật Bản vào 9 mã cũ. Như vậy đến nay, huyện Thanh Hà có 17 vùng trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích hơn 150 ha, sản lượng ước đạt năm 2020 là 1.400 tấn.

Ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà
Ông Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà

“Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ vải Thanh Hà hàng năm được các cấp, các ngành của huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư nâng cấp hạ tầng, đường giao thông, quy hoạch các điểm cân, bãi đỗ xe, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến thu mua và tiêu thụ vải trên địa bàn huyện”, ông Thiện khẳng định.

Triển khai kế hoạch này, ngành nông nghiệp Hải Dương phối hợp với huyện Thanh Hà, thành phố Chí Linh áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng trồng vải xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đã gặp gỡ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để bàn phương án hợp tác, phổ biến chính sách ưu đãi của địa phương trong hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã quán triệt việc quản lý vùng trồng chặt chẽ; phối hợp với huyện Thanh Hà, thành phố Chí Linh và giao ngành bảo vệ thực vật rà soát, quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hướng dẫn để đảm bảo chất lượng cũng như sự an toàn.

“Trong đợt dịch Covid-19, chúng tôi vẫn cử các cán bộ nông nghiệp phân vùng, đến từng vườn của các hộ để kiểm tra giám sát việc tuân thủ nghiêm quy trình sát khuẩn; thường xuyên trao đổi thông tin qua điện thoại, emai về tình hình thực hiện...”, ông Quân chia sẻ.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo các mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia của Hải Dương; trong đó, cấp mới 11 mã số vùng trồng và rà soát, đánh giá, cấp lại 12 mã. Hải Dương đã có 64 vùng trồng và 120 cơ sở đóng gói được cấp mã số đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Để chuẩn bị cho lần đầu tiên đưa quả vải tươi sang thị trường Nhật, vừa qua, tỉnh đã có 1 doanh nghiệp được Cục Bảo vệ thực vật cấp chứng nhận cho cơ sở xử lý, xông Methybromide cho quả vải xuất khẩu.

Đại diện các doanh nghiệp và các tổ sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ vải niên vụ năm 2020. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà
Đại diện các doanh nghiệp và các tổ sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ vải niên vụ năm 2020. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Hà

Tính đến 20/4, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký vùng trồng và bao tiêu quả vải xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và các nước. Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Bamboo đăng ký 4 mã vùng trồng và đăng ký bao tiêu 220 tấn vải tại các vùng trồng đang được tỉnh triển khai, quản lý. Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đăng ký 3 mã vùng trồng với khoảng 200 tấn. Công ty Rồng Đỏ vẫn duy trì bao tiêu sản phẩm cho 3 vùng vải xuất khẩu với diện tích khoảng 20 ha để xuất khẩu đi Mỹ, Australia và khu vực Trung Đông. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang xây dựng kế hoạch thu mua, sơ chế, tiêu thụ và xuất khẩu vải của Hải Dương đi Nhật Bản và các thị trường năm 2020 và các năm tiếp theo.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 9.750 ha vải, trong đó huyện Thanh Hà là 3.600 ha; tổng sản lượng dự kiến 45.000 tấn. Diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu và thị trường cao cấp là 220 ha. Trong số này, có 19 vùng sản xuất vải đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Úc, Mỹ, EU với diện tích 170 ha.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư