Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hai mặt trong xuất khẩu dệt may, da giày sang Mỹ
Phương Thu - 11/07/2019 20:29
 
Việt Nam đang từng bước phát triển ngành công nghiệp sản xuất và nhanh chóng trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về hàng may mặc, dệt may và da giày. Tuy nhiên, các công ty mới chủ yếu tham gia các chuỗi cung ứng giá trị thấp và đang được khuyến khích để tăng khả năng cạnh tranh nhằm phát triển bền vững.
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Hai mặt của bức tranh xuất khẩu

Ông Chris Helzer, Phó chủ tịch của Nike (Hoa Kỳ) - một công ty đa quốc gia chuyên về giày dép, quần áo và sản xuất thiết bị công nhận rằng, Việt Nam là một trong những cơ sở sản xuất quan trọng của Hãng.

Tuy nhiên, trong mỗi đôi giày trị giá lên tới 100 USD của Nike được sản xuất tại Việt Nam, thì chỉ khoảng 10 USD “ở lại” Việt Nam, mặc dù thực tế là có khoảng một nửa số sản phẩm của hãng này được sản xuất tại đây.

Nike được biết tới như một biểu tượng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ ý tưởng thiết kế cho tới từng phần của chiếc giày đều được sản xuất tại những quốc gia khác nhau, sản phẩm cuối cùng sẽ được phân phối đi khắp nơi trên thế giới.

Điều này phản ánh hai mặt của bức tranh xuất khẩu tại Việt Nam, với những sản phẩm trọng yếu như hàng dệt may và giày dép hướng tới thị trường Mỹ, nhưng ít mang lại giá trị gia tăng.

Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xếp thứ 4 trong kim ngạch xuất khẩu. Theo những chuyên gia tham dự Hội nghị Da giày Việt Nam tổ chức hồi đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 1 tỷ đôi giày mỗi năm và là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc trong ngành hàng da giày.

Ngành giày dép đặt mục tiêu đạt kim ngạch 21,5 tỷ USD trong năm tới, tăng 10% về sản lượng, do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh ở các thị trường lớn sau khi kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD vào năm ngoái.

Lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ hiện nay gồm 2 phần. Thứ nhất là gia công, sản xuất, sử dụng nhiều sức lao động. Thứ hai là linh kiện điện tử và máy móc.

Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 25%, theo sau là điện thoại và thiết bị điện thoại chiếm 18,6%, giày dép chiếm 11%.

Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm ngành dệt may đạt hơn 36 tỷ USD, tăng 16%. Dựa trên kết quả đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đặt mục tiêu cho kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2019 đạt 40 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm trước.

Cũng theo VITAS, thặng dư thương mại của ngành dự kiến sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm nay, tương ứng với đảm bảo việc làm và thu nhập cho 2,85 triệu lao động.

Thành tích này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam trở thành một trong 3 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội cùng những thách thức khi đất nước bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo ông Hiếu, Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi từ nền công nghiệp sử dụng nhiều sức lao động giá rẻ hiện tại, sang sản xuất giá trị gia tăng, bao gồm cả thiết kế và xây dựng thương hiệu.

“Con đường phát triển đang rộng mở cho các doanh nghiệp hàng dệt may. Vấn đề là làm thế nào để nắm bắt cơ hội cũng như chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tránh việc thụ động chờ đợi sự hỗ trợ từ Nhà nước, bởi điều này có thể vi phạm thông lệ quốc tế và vi phạm điều khoản các hiệp định thương mại tự do”, ông Hiếu nhận định.

Tăng cường đầu tư vào công nghệ và đào tạo

Chi phí nhân công tăng lên ở Trung Quốc đang khiến các nhà đầu tư phải chuyển dịch sang các quốc gia như Campuchia, Bangladesh và Việt Nam, những nơi có giá nhân công rẻ hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn dựa vào nguyên liệu thô, điều này khiến các tập đoàn toàn cầu khó tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do với các quy tắc về điều kiện xuất xứ. Nếu  muốn cạnh tranh trong khu vực thì cần kêu gọi sự đầu tư vào công nghệ và đào tạo.

Về khía cạnh này, ông Nguyễn Hữu Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Phong Châu cho biết,  công ty ông đã tích cực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như châu Phi và Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, Công ty tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống để tận dụng các ưu đãi, do đó sẽ có thêm vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Tổng công ty May Đồng Nai, một trong những nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất tại các tỉnh phía Nam, đã đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2018 và doanh thu xuất khẩu đạt 70 triệu USD. Theo ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc May Đồng Nai, Công ty đã triển khai một số giải pháp để duy trì các thị trường cũ và mở rộng thị trường mới, bao gồm đầu tư vào công nghệ hiện đại để tăng năng suất và đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Mối quan tâm của những doanh nghiệp địa phương chính là việc cải thiện năng suất. Tại một số công ty giày da ở Việt Nam, trung bình, một công nhân chỉ sản xuất được 3-4 đôi giày mỗi ngày, trong khi công nhân Trung Quốc có thể sản xuất được 7-8 đôi một ngày.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho rằng, cần phát triển chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân và tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất. Qua đó, giúp tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài nhằm tiếp cận mô hình quản lý tốt mà đối tác đã và đang áp dụng thành công tại Việt Nam.

[Infographic] 6 tháng, xuất khẩu dệt may tăng 9,7%
6 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ và bằng 45,25% kế hoạch năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư